Mỹ tìm bằng chứng dính líu của Nga trong vụ MH17
Vụ bắn rơi máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines số hiệu MH17 ở khu vực chiến sự Ukraine đã làm bùng cháy một cuộc khủng hoảng quốc tế mới và có thể thúc đẩy những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Obama trong việc cô lập nước Nga nếu các bằng chứng chỉ ra sự đồng lõa của các phần tử ly khai thân Nga.
Theo đó, ông Obama khá cẩn thận trong “lời ăn tiếng nói” trong khi đưa ra bình luận về vụ tai nạn thương tâm làm 295 người thiệt mạng này.
|
Hiện trường vụ máy bay Malaysia MH17 bi bắn hạ.
|
Tuy nhiên, Phó Tổng thống Mỹ Joseph R. Biden Jr. lại thẳng thừng nói rằng, máy bay Malaysia đã bị “thổi tung lên trời”. Các tình báo Mỹ và chuyên gia phân tích quân sự đang tìm kiếm dấu hiệu cho thấy sự dính líu của Nga.
Ông Biden ám chỉ tới “những hậu quả có thể” nếu các phần tử ly khai miền đông Ukraine có dính líu. “Nhiều câu hỏi cần được trả lời. Chúng ta sẽ nhận được câu trả lời cho điều đó và sẽ đáp trả lại một cách thích hợp”, ông Biden nói trong bài phát biểu ở Detroit.
Trong khi ông Obama còn thận trọng trong các phát ngôn của mình về vụ bắn hạ máy bay thì cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lại công khai bày tỏ các điều mà quan chức Washington to nhỏ riêng với nhau.
“Nhiều người nghi ngờ rằng, vụ việc có thể do các phần tử nổi dậy thân Nga ở miền đông Ukraine gây nên. Người châu Âu phải đi đầu trong vấn đề này. Đó là chuyến bay từ Amsterdam tới Kuala Lumpur đi qua lãnh thổ các nước châu Âu”, bà Clinton nói trong buổi phỏng vấn trên PBS.
Thêm vào đó, nhiều người ở Washington đang so sánh vụ bắn hạ ngày 17/7 này với vụ việc Liên Xô bắn hạ máy bay chở khách Boeing 747 của hãng Korean Airlines vào tháng 9/1983. Vụ này gây nên sự phẫn nộ lan rộng trong cộng đồng quốc tế và khiến Liên Xô rơi vào thế phòng thủ trong một thời gian. Người Liên Xô ban đầu từ chối trách nhiệm về vụ bắn rơi này. Tuy nhiên, sau đó, họ thừa nhận việc làm của mình với lời giải thích rằng, họ bắn hạ máy bay Hàn Quốc vì nghi ngờ nó đang thực hiện một nhiệm vụ gián điệp nào đó.
Châu Âu lâm vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan"
Nếu các nhà điều tra có thể xác nhận nghi ngờ rằng, máy bay Malaysia MH17 đã bị bắn hạ bởi một hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không của lực lượng nổi dậy thân Nga, điều này chứng tỏ rằng Nga vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Ukraine. Trong khi, trước đó một ngày (16/7), chính quyền Washington mới áp dụng lệnh trừng phạt mới lên Moscow. Châu Âu đã không áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt vì lo sợ gây nguy hiểm cho mối quan hệ kinh tế của họ với Nga.
|
Người dân viếng các nạn nhân xấu số ở ĐSQ Hà Lan tại thủ đô Kiev, Ukraine.
|
Liên quan tới phản ứng của các nước châu Âu trước thảm kịch máy bay bị bắn hạ ở Ukraine, các quan chức châu lục này tỏ ra thận trọng trong các phản ứng ban đầu. Họ tập trung tìm kiếm thông tin và chờ đợi thời điểm trước khi các hậu quả không mong muốn xảy ra. Một điều nữa đó là châu Âu bất đắc dĩ phải nhận trọng trách to lớn đối với vụ việc này. Bởi lẽ, hầu hết các hành khách bị thiệt mạng là người châu Âu. Phần lớn trong số họ, 154 người trên tổng số 295 hành khách và tổ bay trên MH17 đều đến tới Hà Lan, điểm xuất phát của máy bay xấu số. Điều này có thể khiến gia tăng áp lực lên các chính phủ châu Âu.
Điều đáng bàn, Hà Lan là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Vì thế, họ cũng là một trong số những quốc gia châu Âu lo ngại về tác động kinh tế của các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn đối với Nga. Nhận thông tin về vụ mới này, Thủ tướng Mark Rutte của Hà Lan đã bỏ dở kỳ nghỉ ở Đức của mình để trở về quê nhà lo giải quyết vụ việc.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu kêu gọi “một cuộc điều tra ngay lập tức” để tìm rõ ai là người chịu trách nhiệm về vụ bắn rơi “càng nhanh càng tốt”.
Một số chuyên gia cho hay, thảm kịch sẽ dẫn tới việc các nước châu Âu đánh giá lại cách tiếp cận của họ với Nga. “Cuối cùng điều này sẽ là đòn áp lực lên châu Âu để buộc họ làm những điều mà đáng lẽ ra họ nên làm từ trước đây”, cựu Đại sứ Mỹ ở Ukraine, ông John E. Herbst nói.