|
Binh nhất Bradley Manning, "người lộ bí mật" của Mỹ.
|
Cụ thể, binh nhất Bradley Manning, 25 tuổi, bị cáo buộc tổng cộng 20 tội danh bao gồm 7 trong số 8 cáo buộc gián điệp, 5 tội danh trộm cắp, 2 tội danh gian lận máy tính, 5 tội vi phạm các quy định của quân đội và 1 tội công bố bừa bãi thông tin tình báo trên mạng internet. Tuy nhiên, Manning được xử trắng tội giúp al-Qaeda chống Mỹ.
Bradley Manning thừa nhận đã rò rỉ các tài liệu mật cho WikiLeaks nhưng nhấn mạnh hành động này là để tạo ra một cuộc tranh luận về chính sách ngoại giao Mỹ. Đây được xem là vụ lộ mật lớn nhất lịch sử nước Mỹ. Phiên tòa xét xử các tội trạng của Manning để ra một bản án chính thức sẽ bắt đầu hôm nay.
Phát biểu tại Đại sứ quán Ecuador ở London, Anh, người sáng lập trang mạng Wikileaks, Julian Assange chỉ trích bản án bằng tuyên bố nó đại diện cho “chủ nghĩa cực đoan nguy hiểm trong vấn đề an ninh quốc gia”.
Ông Assange cũng chỉ trích phiên tòa xét xử binh nhì Mỹ rằng: “Đây chưa từng là một phiên tòa công bằng” đồng thời ca ngợi Maning là một anh hùng khi dám “công khai những tội ác của chính phủ Mỹ với người dân và thế giới” và yêu cầu sự minh bạch và trách nhiệm của chính phủ.
Ông Assange khẳng định Manning, với sự hỗ trợ của Wikileaks, sẽ kháng cáo: "WikiLeaks sẽ không ngừng đấu tranh cho đến khi cậu ấy được trả tự do", ông Assange nhấn mạnh.
|
Người ủng hộ mặc áo đồng phục in từ Truth (Sự thật) đứng bên ngoài tòa án ở Fort Meade .
|
Những người ủng hộ bình nhì Mỹ cũng lên tiếng chỉ trích và lên án phiên tòa và các cáo buộc đối với Maning. Gia đình của binh nhì nhấn mạnh, Manning "không bao giờ có ý định giúp kẻ thù của nước Mỹ trong bất kỳ hoàn cảnh nào".
"Brad yêu tổ quốc và đã tự hào khi khoác lên người bộ quân phục", gia đình Maning nhấn mạnh.
Binh nhất Manning, một nhà phân tích tình báo của quân đội Mỹ, bị bắt tại Iraq hồi tháng 5/2010 sau vụ lộ mật các tài liệu quốc phòng nhạy cảm. Anh này từng bị giam tại căn cứ quân sự Arifjan của Mỹ tại Kuwait trước khi bị chuyển về Mỹ.
Trong số những tài liệu mà Manning chuyển cho Wikileaks có đoạn video về vụ tấn công bằng trực thăng Apache hồi năm 2007, làm hàng chục người chết tại thủ đô Baghdad của Iraq, trong đó có một phóng viên của hãng tin Reuters.
Các tài liệu cũng bao gồm 470.000 báo cáo chiến trường về Iraq và Afghanistan và 250.000 điện tín của bộ ngoại giao giữa Washington và các đại sứ quán khắp thế giới.