Người tị nạn đổ vào Hy Lạp đang vỡ nợ

Google News

(Kiến Thức) - Những người tị nạn từ các nước vẫn ùn ùn đổ vào Hy Lạp trong bối cảnh quốc gia này đang đứng trước bờ vực vỡ nợ.

Hy Lạp đang trở thành cửa ngõ lý tưởng để những đoàn người nhập cư bất hợp pháp tá túc, soán vị trí của Italy. Khoảng 69.000 người di cư đã tới đất nước đang trên bờ vực vỡ nợ trong năm nay. Tuy nhiên, do chính phủ không có tiền để hỗ trợ cho những người tị nạn nên phần lớn họ đều sống vất vưởng ngoài đường.
 “Athens hoàn toàn lúng túng trước vấn đề về người tị nạn”, thành viên người  Đức tại Nghị viện châu Âu, ông Ska Keller thẳng thắn nhận xét.
Nguoi ti nan do vao Hy Lap dang vo no
Những người tị nạn đang vượt hành trình trên biển tới Hy Lạp.
Trước đó, vào hồi tháng 5/2015, ông Keller đã có mặt ở đảo Kos và bảo rằng, cuộc khủng hoảng toàn diện ở Hy Lạp chỉ làm phức tạp tình hình. Đứng ở bên cảng Kos, người ta dễ dàng trông thấy bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Những lúc nước biển bình lặng, người di cư chỉ cần dùng thuyền cao su cũng dễ dàng di chuyển trên tuyến đường biển nối hai quốc gia này. Sau đó, ngày càng có nhiều người lựa chọn vượt biên theo tuyến đường biển đó bởi vì nhiều quốc gia quá cảnh yêu cầu họ xuất trình thị thực.
Người di cư hầu như không có nơi ăn, chốn ngủ
Về cơ bản, những người mới đến chẳng nhận được bất cứ hỗ trợ nào trên các hòn đảo Hy Lạp. Không an ninh xã hội, không giao thông, không thức ăn, không chốn ở. Họ phải cắm trại ngoài trời. Để đăng ký thông tin cá nhân với chính quyền sở tại, họ phải đi bộ hàng nhiều cây số để tìm tới các văn phòng chật ních người. Hầu hết các nước Bắc Âu đều không đưa người tị nạn quay trở lại Hy Lạp do điều kiện tồi tệ ở nơi đó.
Tuy nhiên, người tị nạn vẫn cần đăng ký nhân thân với chính quyền Hy Lạp để nhận giấy phép cư trú tạm thời. Người Syria – những người tị nạn chạy khỏi cuộc nội chiến đang diễn ra trong nước – được hưởng chế độ bảo vệ đặc biệt. Giấy phép cư trú của họ còn được gia hạn thêm nửa năm.
Nguoi ti nan do vao Hy Lap dang vo no-Hinh-2
 Khu trại dành cho những người tị nạn Komotini.
Chỉ các tổ chức phi chính phủ và thể chế tư nhân như tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) đang giúp đỡ những người này. Ông Ska Keller kể rằng, những tình nguyện viên thường hay đưa đồ ăn và quần áo cho người tị nạn. Mặc khác, vị thị trưởng của hòn đảo Kos mới đây phàn nàn rằng, những người tị nạn mệt mỏi là nguyên nhân khiến các du khách không còn thiết tha tới đây. Tuy nhiên, không ai có thể nói rằng, người di cư hay cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp ảnh hưởng tới ngành du lịch.
Kêu gọi EU can thiệp
Thành viên người Đức tại Nghị viện châu Âu, bà Barbara Lochbihler cho hay, ít nhất đảng cầm quyền ở Hy Lạp là Syriza vẫn giữ một trong các cam kết tranh cử của họ và thả tự do cho những người bị bắt giữ dài hạn ở các khu trại tị nạn khắc khổ.
Tuy nhiên, điều này không áp dụng ở tất cả các trại tị nạn. Hồi tháng 4, có một vụ tuyệt thực tại trại Paranesti và một trường hợp tự sát ở khu trại Amydgaleza, trung tâm được EU tài trợ kinh phí xây dựng để chứa chừng 900 người. Tuy nhiên, giờ đây, có tới 2.000 người di cư đang tá túc nơi đó.
Dẫu rằng vậy thì một biện pháp về chính trị vẫn là điều cần thiết. Chính phủ Hy Lạp bày tỏ sự bất lực về điều kiện trong các trung tâm, nhưng Athens giờ còn có một vấn đề quan trọng khác cần giải quyết. Nước này đã kêu gọi EU can thiệp vấn đề khủng hoảng di cư này. Theo kết quả trong cuộc họp thượng đỉnh về vấn đề người di cư ở Brussels, gần 14.000 người tị nạn sẽ được đưa tới các nước châu Âu. Theo bà Lochbihler, con số trên là quá thấp. Bà nói rằng, Brussels phải hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp bằng bất cứ giá nào.
Brussels chưa nhận bất cứ lời đề nghị giúp đỡ nào từ Athen?
Ủy ban châu Âu vẫn chưa nhận được bất cứ đơn đề nghị hỗ trợ giải quyết nào từ Hy Lạp về vấn đề tị nạn. Theo quan điểm của Brussels, Athens muốn nhận thêm tiền, họ phải mở lời đề nghị. Lần gần đây nhất, quỹ dành cho người tị nạn của EU đã giải ngân 1,3 triệu Euro.
Nguoi ti nan do vao Hy Lap dang vo no-Hinh-3
Đất nước Hy Lạp đứng trước nguy cơ vỡ nọ trước Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khi họ không thể trả được khoản nợ 1,6 tỷ Euro. Ảnh: Người dân Hy Lạp xô đẩy để vào bên trong một ngân hàng.
Tại hội nghị thượng đỉnh gần đây, lãnh đạo các nước cùng nhất trí về hỗ trợ kỹ thuật. Theo đó, các điểm nóng sẽ được lập ra một cách nhanh chóng nhất có thể. Ở đó, các chuyên gia EU có thể kiểm tra và ước tính có bao nhiêu người tị nạn mới đến cần sự trợ giúp, qua đó làm giảm bớt gánh nặng cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, biện pháp này sẽ chỉ giải quyết được một phần nhỏ vấn đề.
Cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Hy Lạp
Ông Alex Stathopoulos – chuyên gia về các vấn đề tị nạn – nghĩ rằng, ít nhất trong một thời gian nếu Hy Lạp cho phép những người di cư tiếp tục hành trình của họ tới các nước khác một cách hợp pháp thì tình hình sẽ được cải thiện đôi chút. Ông Alex lập luận rằng, bằng cách làm đó, tính mạng con người sẽ được đảm bảo bởi vì chặng hành trình vượt qua Macedonia của họ rất nguy hiểm.
Vấn đề cơ bản ở Hy Lạp đó là các tổ chức cứu trợ quốc tế không có các quy chế rõ ràng do chính phủ Athens lập ra quanh vấn đề tị nạn. Chính quyền nơi đây dường như bất lực và nói rằng họ không có trách nhiệm nào trong việc này. Tổ chức Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) đang cố gắng lập ra một quy tắc nền tảng để các tổ chức phi chính phủ (NGOs) hoạt động ở nước này.
Và điều kiện hoạt động của các nhân viên cứu trợ trở nên khó khăn khi các ngân hàng Hy Lạp đóng cửa. Ông Stathopoulos kể về những cuộc gọi khẩn cấp từ Athens rằng, các tổ chức NGOs vẫn còn tiền trong tài khoản, nhưng họ chỉ rút được 60 Euro mỗi nagfy. Số tiền đó là quá nhỏ bé để có thể mua các lều trại đủ cho người tị nạn đang ùn ùn kéo về Hy Lạp.
Thanh Nga (theo DW)

Bình luận(0)