Nga-Trung tập trận, Nhật Bản lo âu

Google News

Các chuyên gia phương Tây cho rằng các cuộc  trận trận Nga-Trung là nhằm đáp trả kế hoạch Mỹ-Nhật mở rộng mạng lưới liên minh quân sự ở châu Á.


 Tàu chiến Trung Quốc tham gia tập trận.

Từ ngày 5-12/7, tại biển Nhật Bản diễn ra cuộc tập trận chung Nga-Trung mang tên “Hợp tác biển 2013”. Theo thông báo của văn phòng báo chí Bộ Quốc phòng Nga, cuộc tập trận này có sự tham gia của gần 20 tàu chiến, hơn 10 máy bay chiến đấu và máy bay lên thẳng.

Theo hãng tin Regnum, lần này, khoa mục diễn tập chính là hoàn thiện sự hợp tác trong các hoạt động phối hợp trên biển.  Hai bên sẽ tập “giải cứu các tàu bị hải tặc bắt”, đồng thời tiến hành hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, hỗ trợ tàu bị nạn. Cuộc diễn tập cũng thực hành các khoa mục hộ tống tàu thuyền, hậu cần trên biển, phối hợp tổ chức phòng thủ chống tàu ngầm, máy bay và tàu chiến. Thêm vào đó, hai bên sẽ tiến hành bắn đạn thật vào mục tiêu trên biển và trên không.

Các nhà phân tích phương Tây đã gắn cuộc tập trận này với những tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Á. Họ lưu ý tới thực tế rằng cuộc tập trận trên Vịnh Peter Đại đế diễn ra ngay sau cuộc tập trận “Tia chớp bình minh” giữa Mỹ và Nhật Bản ngoài khơi bờ biển nước Mỹ - cách San Diego khoảng 75 dặm - trong đó hai đồng minh này chuẩn bị đáp trả cuộc đổ bộ của binh sĩ Trung Quốc lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp.

Trao đổi với “Báo Độc lập”, Yakov Berger - chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của Viện Viễn Đông trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga - lưu ý rằng quân đội Nga và Trung Quốc đang hành động theo các thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp mới đây giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai ông đã quyết định tăng cường quan hệ trong lĩnh vực quân sự và các quyết định này đang được hiện thực hóa. Cuộc tập trận trên được tiến hành không phải trong năm đầu tiên và không liên quan gì tới tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.

Theo ông Berger, trên thực tế Mỹ vẫn có ưu thế vượt trội trên biển, chưa kể đến các đồng minh trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên Washington và đặc biệt là Tokyo chắc chắn sẽ lắng nghe “tiếng đạn thật” trên Vịnh Peter Đại đế.

Theo Báo Tin tức

Bình luận(0)