Phe tân bảo thủ và giới vận động hàng lang trong việc hoạch định chính sách ngoại giao ở Washington đã cố gắng ngăn cản Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đi thăm Nga, thậm chí còn đề cấp đến “mối đe dọa hạt nhân”. Thế nhưng, trong chuyến thăm này, ông Kerry - quan chức ngoại giao hàng đầu của nước Mỹ - dường như xa rời mục tiêu cô lập Nga và thay đổi chế độ ở Syria.
Một phần trong chính sách đối ngoại Mỹ xoay quanh việc thúc đẩy “thay đổi chế độ” toàn cầu nhằm phục vụ lợi ích của Washington. Hầu hết các thành viên của nhóm tân bảo thủ dường như tin rằng trong chuyến thăm Moscow ngày 15/12, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bị Tổng thống Nga Vladimir Putin “tẩy não”.
|
Phải chăng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) đã bị Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) "tẩy não"?
|
Những vấn đề tranh luận chủ yếu tập trung vào việc tăng cường sự hiện diện bộ binh Mỹ ở Syria và cô lập Nga. Theo David Kramer - Giám đốc cấp cao của Viện McCain - chuyến thăm Moscow của ông Kerry lần này là một hành động xoa dịu.
“Chuyến thăm thứ hai của ông Kerry tới Nga trong năm nay đi ngược tuyên bố của Tổng thống Barack Obama trong bài phát biểu về Thông điệp Liên bang hồi tháng 1/2015 rằng Mỹ sẽ cô lập Nga vì 'xâm lược' Ukraine”, giám đốc Kramer viết.
Nhà vận động hành lang Ed Rogers sử dụng blog cá nhân của ông trên tờ Washington Post cho rằng Tổng thống Putin đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân chỉ vì Mỹ không muốn can thiệp quân sự vào Syria.
Trên Newsweek, cựu cố vấn ngoại giao Thụy Điển Aaron Korewa gọi cuộc hội đàm vừa rồi là sự lặp lại của “thảm kịch Yalta” – một hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Liên Xô, Mỹ và Anh năm 1945, trong đó tạo ra nền tảng của trật tự thế giới sau Thế chiến II.
Nhiều ý kiến tranh luận dường như tập trung vào ý tưởng của tổ chức Heritage Foundation trong chiến lược toàn diện của Mỹ đối với Nga.
Chiến lược này dường như tương tự với chính sách của Mỹ trong hai thập kỷ qua, nhưng bao gồm việc quân sự hóa Đông Âu và xây dựng lá chắn tên lửa mới để kiềm chế khả năng răn đe hạt nhân của Nga.
Tuy nhiên, trọng tâm của chiến lược dựa trên sự hiểu lầm cơ bản giữa Nga và Mỹ. Nga coi việc quân sự hóa Đông Âu và răn đe hạt nhân hạn chế cùng các hoạt động ngoài vòng pháp luật của NATO tại Libya năm 2011 và Nam Tư năm 1999 là một mối đe dọa hiện hữu. Trong khi đó, Mỹ coi việc Nga phản đối những hành động như vậy là thái độ gây hấn.