|
Cuộc nói chuyện khó khăn giữa Tổng thống Obama và Tổng thống Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh G8 ở Ireland.
|
Steven Pifer, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và từng là đại sứ Mỹ tại Ukraine, nói nói với RIA Novosti: “Tôi không thể tưởng tượng có ai đó trong cộng đồng tình báo Mỹ nghĩ rằng cung cấp tin tình báo cho người Nga sẽ làm thay đổi lập trường cố hữu của họ”.
Trong một cuộc phỏng vấn ngày 4/9 với truyền hình nhà nước Nga và hãng tin AP, Tổng thống Putin không loại trừ hành động quân sự, nếu chứng minh được chính phủ Assad đã sử dụng vũ khí hóa học chống dân thường, nhưng hành động quân sự này phải thông qua khuôn khổ của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nếu làm khác đi thì “việc sử dụng vũ lực chống lại một nhà nước độc lập có chủ quyền là không thể chấp nhận và chỉ có thể bị coi là một hành động xâm lược”.
Tổng thống Putin nói thêm: “Ngay cả ở Mỹ cũng có các chuyên gia cho rằng các bằng chứng mà chính quyền (Obama) trình bày là không thuyết phục và họ không loại trừ một sự khiêu khích được tính toán từ trước (của phe đối lập Syria), trong một nỗ lực cung cấp cho ‘các nhà tài trợ’ một cái cớ để can thiệp quân sự”.
Cả Nhà Trắng lẫn Bộ Ngoại giao Mỹ đều không trả lời câu hỏi liệu chính quyền Obama tuần trước đã cung cấp cho phía Nga bao nhiêu thông tin giải mật của tình báo Mỹ về vụ tấn công ngày 21/8 ở ngoại ô Damascus.
Ông Stephen Blank, chuyên gia về Nga tại Trường Cao đẳng Chiến tranh của quân đội Mỹ, nói hầu như chắc chắn phía Mỹ sẽ không cung cấp đầy đủ các bằng chứng về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học mà Washington nói có hơn 1.400 trường hợp tử vong. Ông nói: “Các nước không bao giờ tiết lộ các nguồn tin và phương pháp tình báo của họ… Tôi không tin rằng có bất kỳ sự chia sẻ thông tin tình báo nghiêm túc nào với Nga về vụ việc nói trên”.
Theo hai ông Blank và Pifer, trong bối cảnh Moscow nghi ngờ sâu sắc về động cơ của Mỹ và quan hệ song phương bị “dội gáo nước lạnh” bởi quyết định của Tổng thống Obama hủy bỏ một cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở St Petersburg, những bằng chứng thậm chí có sức thuyết phục cũng khó có thể lay chuyển ông Putin quay sang ủng hộ hành động quân sự.
Thế nhưng, chuẩn tướng về hưu Kevin Ryan, phụ trách chương trình quốc phòng và tình báo tại Trung tâm Các vấn đề quốc tế và khoa học Belfer của Đại học Harvard, lại cho rằng rất có thể phía Washington đã tiết lộ cho Moscow nhiều thông tin tình báo về Syria hơn những gì mà chính quyền Obama đã cung cấp cho các nhà lập pháp Mỹ để quốc hội lưỡng viện ủng hộ hành động quân sự chống Syria. Ông Kevin Ryan nói với RIA Novosti: “Nhưng tôi không chắc chắn rằng những thông tin tình báo này sẽ làm thay đổi cách đánh giá của Tổng thống Putin và chính phủ Nga về những gì đang xảy ra ở Syria”.
Trong khi đó, Tổng thống Obama ngày 4/9 nói rằng ông sẽ tiếp tục cố gắng thuyết phục Tổng thống Putin ủng hộ việc can thiệp quân sự vào cuộc xung đột Syria, bất chấp "bức tường" ngăn cách giữa hai nhà lãnh đạo về vấn đề này. Tại một cuộc họp báo ở thủ đô Thụy Điển, Tổng thống Obama nói: “Tôi hy vọng rằng ông Putin có thể thay đổi lập trường về một số vấn đề. Tôi luôn luôn hy vọng và tôi sẽ tiếp tục liên lạc với ông ấy”.
Ngày 3/9, một quan chức Nhà Trắng nói rằng mặc dù không có kế hoạch về một cuộc gặp song phương chính thức giữa Tổng thống Obama và Tổng thống Putin tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở St Petersburg, nhưng “hai vị tổng thống sẽ có cơ hội để nói chuyện với nhau bên lề các hội nghị khác”.