Đó là nhận định của nhà nghiên cứu Lim Chuan-Tiong, cộng tác viên của Viện Lịch sử hiện đại Academia Sinica, được báo mạng WantChinaTimes (WCT) ngày 26/5 đăng tải.
Theo nhà nghiên cứu Lim Chuan-Tiong, cuối cùng, Mỹ cũng đã bắt đầu hành động để can thiệp vào cuộc tranh chấp âm ỉ ở Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc ráo riết biến rạn san hô thành đảo nổi với qui mô và tốc độ chóng mặt. Do nguy cơ đối đầu Trung-Mỹ, Biển Đông đang trở thành một điểm nóng có thể kích hoạt Chiến tranh thế giới thứ ba.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với 90% diện tích Biển Đông ở bên trong cái gọi là bản đồ “đường 9 đoạn” (đường lưỡi bò) do người Trung Quốc tự vẽ trong Thế kỷ 20. Kể từ tháng Ba năm ngoái, Trung Quốc đã tiến hành “cải tạo đất” (hút cát đắp đảo nhân tạo) trên ít nhất bảy bãi cát ngầm và rạn san hô trong khu vực. Trong số này có Đá Vành Khăn (Mischief Reef), Đá Gạc Ma (Johnson South Reef) và Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) thuộc quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc cũng ráo riết xây dựng căn cứ quân sự trên các “đảo nhân tạo” mà nước này bồi đắp ở các bãi cát ngầm và rạn san hô. Bắc Kinh đang xây dựng một đường băng dài 3.000 mét trên Đá Chữ Thập và dự kiến sẽ hoàn thành trong khoảng thời gian từ 2017 đến 2018. Sau khi được xây dựng xong, đường băng này sẽ tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông và đây là một mối đe dọa lớn đối với Mỹ.
Cho đến nay, Mỹ đã hai lần trực tiếp can thiệp vào tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Việc Bắc Kinh ngang nhiên hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 vào sâu trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam hồi tháng 5/2014 đã thổi bùng lên làn sóng phản đối Trung Quốc chưa từng thấy ở Việt Nam.
Sau đó, Mỹ đưa ra đề nghị ba điểm, thúc giục các bên tranh chấp Biển Đông ngừng xây dựng cơ sở hạ tầng trên bãi cát ngầm và rạn san hô cũng như tiến hành các hoạt động kinh tế đơn phương trong khu vực.
Đồng thời, Thượng viện Mỹ cũng thông qua một nghị quyết ủng hộ chính sách của chính quyền Obama về giải quyết vấn đề tự do hàng hải và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông thông qua giải pháp ngoại giao và lên án mọi hành động thay đổi hiện trạng trong khu vực.
Đáng tiếc là những động thái này đã không thể ngăn cản mưu đồ bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Lần can thiệp thứ hai bắt đầu vào đầu tháng này, khi Mỹ đưa tàu chiến cận bờ USS Fort Worth - một trong những tàu chiến hiện đại nhất của Hải quân Mỹ - thực hiện sứ mệnh tuần tra Biển Đông kể từ tháng 11/2014. Đây là lần đầu tiên Mỹ đã đưa một tàu tuần tra đến vùng biển quần đảo Trường Sa.
Động thái này rõ ràng nhằm gây áp lực lên Bắc Kinh vốn mưu toan thiết lập một Khu nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, sau khi đơn phương tuyên bố thiết lập ADIZ trên Biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, vào cuối năm 2013.
|
Cho đến nay, hành động của Mỹ ở Biển Đông chỉ là tuần tra. |
Tuy nhiên, cho đến nay, hành động của Mỹ ở Biển Đông chỉ là tuần tra, chứ không thể ngăn cản Trung Quốc “cải tạo đất” (đắp đảo nhân tạo) và triển khai quân sự.
Theo nhà nghiên cứu Lim Chuan-Tiong, chỉ khi nào đặt câu hỏi về tính hợp pháp của tuyên bố chủ quyền lãnh thổ phi lý của Bắc Kinh ( trong đó có việc bác bỏ “đường lưỡi bò” phi lý do người Trung Quốc tự vẽ), thì Mỹ mới có thể bắt đầu một loạt các hành động ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực. Điều này đồng nghĩa với sự thay đổi đáng kể trong chính sách Biển Đông của Mỹ.