Mục đích không kích IS của Nga ở Syria

Google News

(Kiến Thức) - Quyết định không kích IS ở Syria của Nga nhằm phá thế cô lập và ngăn chặn Hồi giáo cực đoan gây bất ổn ở bắc Caucasus và Trung Á.

Đây là nhận định của giáo sư Andrei Tsygankov thuộc khoa Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Quốc gia San Francisco (Mỹ).
Muc dich khong kich IS cua Nga o Syria
Giáo sư Andrei Tsygankov thuộc khoa Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Quốc gia San Francisco (Mỹ). 
Theo giáo sư Tsygankov, cuộc gặp Putin-Obama gần đây và chiến dịch không kích IS của điện Kremlin ở Syria đánh dấu nỗ lực mới của Nga nhằm bình thường hóa quan hệ với phương Tây. Vì một loạt lý do trong nước và quốc tế, Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn chấm dứt giai đoạn đối đầu vốn được bắt đầu với sự thất bại của chiến lược "cài đặt lại" mối quan hệ Nga-Mỹ và lên đến cực điểm vì cuộc xung đột ở Ukraine.
Mục tiêu dài hạn của Tổng thống Putin là nhằm đưa Nga trở thành một quốc gia hành động theo các quy tắc chính thức và không chính thức của nền chính trị cường quốc truyền thống và được thế giới thừa nhận.
Các quy tắc của nền chính trị cường quốc truyền thống bao gồm một thỏa thuận chung về các mối đe dọa lớn đối với hệ thống thế giới, ngoại giao đa phương để giải quyết các xung đột và sự tôn trọng cả chủ quyền lẫn các khu vực ảnh hưởng của các nước lớn. Tổng thống Putin cho rằng phương Tây đã vi phạm các quy tắc này bằng cách phá vỡ tất  cả các quy định và nguyên tắc đang tồn tại.
Vấn đề ở đây là ông Putin thực sự tin rằng Mỹ đã đưa ra lời giải thích hoàn toàn khác nhau về các mối đe dọa lớn toàn cầu, từ bỏ ngoại giao đa phương, vi phạm các nguyên tắc về chủ quyền và các khu vực ảnh hưởng khi can thiệp vào Nam Tư và Iraq, và sau đó đưa ra một chính sách thay đổi chế độ toàn cầu.
Trong bối cảnh này, Moscơ không thể hợp tác với phương Tây về sự ra đi Tổng thống Syria Bashir Assad mặc dù trước đây đã phát đi tín hiệu rằng việc ông Assad cầm quyền không phải ưu tiên số một của mình. Đề nghị hợp tác của ông Putin phải là một sự tiến bộ trong chuyển đổi quyền lực quan trọng mang tính công bằng và độc lập, chứ không phải để chuẩn bị phục vụ như là một thành viên mới trong liên minh do Mỹ đứng đầu.
Có lẽ, trong suy nghĩ của ông Putin, bây giờ là lúc để hàn gắn những rạn nứt trong mối quan hệ Nga-phương Tây trong khi các mối đe dọa khủng bố đang gia tăng trở lại và những nỗ lực của Mỹ nhằm tạo sự khác biệt thông qua chiến dịch IS đồng thời tìm cách lật đổ ông Assad không mang lại kết quả.
Trong khi đó, Liên minh Châu Âu (EU) đang trải qua một cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất sau Chiến tranh thế giới thứ II, một phần bởi làn sóng tị nạn từ Syria. Cuộc xung đột ở Ukraine cũng đang có xu hướng ra khỏi đối đầu quân sự - phần lớn là do quyết tâm của các cường quốc Châu Âu, Mỹ và Nga sẵn sàng tìm kiếm một giải pháp thỏa hiệp.
Bằng cách kêu gọi phương Tây tham gia liên minh chống IS do Nga khởi xướng, ông Putin không chỉ có thể thoát khỏi sự cô lập của phương Tây, mà còn đưa Moscow trở thành trung tâm chú ý của thế giới.
Một số nhà lãnh đạo Châu Âu đã ủng hộ thận trọng sự can thiệp của Nga trong cuộc chiến chống IS tại Syria, khi cho rằng mục tiêu các cuộc không kích của Moscow không nhằm vào lực lượng đối lập với ông Assad. Nhà Trắng cũng sẵn sàng trì hoãn giải pháp loại bỏ Tổng thống Assad vì có lợi ích trong việc đánh bại IS. Quân đội Nga và Mỹ thì đang trong quá trình phối hợp nhằm tạo ra những nỗ lực chung ở Syria.
Trong khi chiến dịch chống IS của Nga ở Trung Đông vẫn chủ yếu dựa vào sự hậu thuẫn của người Shi’ite, một số nhà lãnh đạo ở Trung Đông cũng cho thấy sự hỗ trợ ngầm của họ. Ở mức tối thiểu, Ai Cập, Israel và Jordan không tạo ra bất kỳ trở ngại lớn nào đối với Nga. Trong khi đó, Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Vịnh mặc dù vẫn phản đối chiến dịch không kích của Nga, nhưng mức độ phản đối có lẽ đã bị suy giảm vì thái độ của Mỹ về các hành động của Nga.
Tuy nhiên, chiến dịch chống IS của Nga tại Syria cũng tiềm ẩn  những nguy cơ nhất định, cả ở trong và ngoài nước. Ở phương Tây, ông Putin thường bị coi là có những nỗ lực nhằm làm suy yếu phương Tây trên phạm vi toàn cầu. Ở Trung Đông, chiến dịch trên có thể bị coi là nhằm củng cố quyền lực cho Tổng thống Assad và tăng cường sức mạnh cho Iran. Trong khi đó, Trung Quốc và các cường quốc không thuộc phương Tây khác vẫn cho biết sẽ đứng về phía nào trong vấn đề này.
Ở trong nước, do vấn đề gần đây ở bắc Caucasus, điện Kremlin có ít sự lựa chọn cho việc không tham gia chống khủng bố thánh chiến ở nước ngoài. Chiến dịch không kích IS ở Syria được thiết kế như là một cách để ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo ở Nga và sự mất ổn định ở Trung Á.
Trong khi đó, chiến tranh có logic riêng của nó. Nga có thể sẽ phải gánh chịu thương vong hoặc vô tình bắn trúng mục tiêu dân sự... Những tình huống này có thể thúc đẩy sự can thiệp trong một hướng đi khác bằng cách chuyển một chiến dịch có giới hạn thành một cuộc chiến tranh kéo dài.
Tuy nhiên, nếu Nga và phương Tây cùng phối hợp hành động ở Syria, cùng thực hiện một đòn tấn công quy mô lớn tiêu diệt IS và sau đó cùng tham gia vào việc xác định tương lai chính trị của khu vực, một giải pháp chính trị nhằm giải quyết cuộc xung đột tại Syria có thể xuất hiện, các vấn đề của Ukraine và an ninh của Nga ở Châu Âu cũng như Khu vực Á-Âu có thể được xem xét lại với một sự thông cảm lớn hơn về giá trị và lợi ích của Moscow.
Theo Báo Tin tức

Bình luận(0)