Sau khi kiểm soát khá thành công ở giai đoạn đầu của dịch bệnh, nhiều nước trên thế giới bắt đầu chứng kiến số ca mắc COVID-19 gia tăng trở lại. Đây là kịch bản đã được tính đến và nhiều quốc gia đã đưa ra các chiến lược để kiểm soát hiệu quả làn sóng thứ hai cũng như giảm tác động của đại dịch.
|
Ảnh minh họa: Reuters |
Các chuyên gia cho rằng châu Âu đang chứng kiến sự “hồi sinh” của virus SARS-CoV-2. Các nước như Pháp, Đức hay Tây Ban Nha đều chứng kiến các ca mắc mới gia tăng trở lại. Tại Pháp, các trường hợp mắc mới đã tăng từ vài trăm lên hơn 1.000 người mỗi ngày, trong khi Tây Ban Nha lại một lần nữa trở thành điểm nóng của châu Âu với tỷ lệ lây nhiễm cao hơn ở khu vực Đông Bắc, gần Barcelona, buộc chính quyền địa phương phải tái áp dụng các biện pháp phong tỏa.
Theo giới chuyên gia, đây chỉ là thời điểm đầu của một giai đoạn dịch mới, với khả năng Đức hay Pháp có thể đối mặt với làn sóng thứ 2 trong vài tuần tới, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Châu Á thời gian qua cũng chứng kiến một số nước với số ca mắc COVID-19 tăng cao trở lại như tại Nhật Bản, Hàn Quốc, một số quốc gia Đông Nam Á… Hầu hết các trường hợp mắc mới tăng tại các quốc gia đã bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Bất cứ người dân nào cũng có nguy cơ lây nhiễm virus, thậm chí cả những khu vực đã có nhiều kinh nghiệm trong kiểm soát dịch. Rất nhiều nước tin rằng đã vượt qua được thời điểm khó khăn nhất nhưng giờ họ lại phải đối mặt với làn sóng mới. Một số nước giờ mới bước vào thời kỳ cao điểm của dịch bệnh”.
Hiện có nhiều lo ngại về làn sóng dịch bệnh thứ 2 có nguy cơ lây lan nhanh hơn và nghiêm trọng hơn khi người dân đã quá mệt mỏi với các biện pháp giãn cách xã hội, với tâm lý buông xuôi “phải sống chung” với virus, khiến sự tuân thủ giãn cách khó được thực hiện. Tổ chức Y tế Thế giới mới đây cảnh báo tỷ lệ người trẻ mắc COVID-19 gia tăng trên toàn cầu tăng gấp 3 lần trong vòng 5 tháng qua. Không có triệu chứng sẽ khiến nhóm thanh niên trẻ trở thành nguồn lây nhiễm “thầm lặng” lây lan nhanh.
Kịch bản về một làn sóng COVID-19 thứ 2 đã được nhiều quốc gia tính đến, với việc xây dựng các chiến lược để ngăn chặn và phòng ngừa. Theo giới chuyên gia, những bài học kinh nghiệm từ làn sóng thứ nhất tại nhiều quốc gia là cơ sở để xây dựng chiến lược kiểm soát hiệu quả. Bài học thứ nhất đó là đeo khẩu trang thực sự cần thiết. Các quốc gia cần phải tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả này.
Hiện nhiều nước đã bắt đầu yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc tại những nơi công cộng, thậm chí tại địa điểm kín nhưng đông người. Bài học thứ 2 đó là xét nghiệm, truy vết và cách ly. Chuyên gia dịch tễ học và người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Pháp Didier Pittet cho rằng, ưu tiên trước tiên là xét nghiệm nhóm có nguy cơ cao.
“Tất nhiên là xét nghiệm càng nhiều càng tốt với các nhóm có nguy cơ cao. Chúng ta phải xét nghiệm toàn bộ các trường hợp liên quan, để sớm khoanh vùng khu vực. Ưu tiên trước tiên vẫn là xét nghiệm nhằm vào các nhóm mục tiêu cụ thể”.
Giới chức y tế cho rằng, tốc độ thực hiện những biện pháp xét nghiệm, truy vết và cách ly sẽ xác định hiệu quả của chiến lược phòng dịch. Các hoạt động này càng chậm chạp, càng gây khó ngăn cho nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Bài học thứ 3 đó là duy trì năng lực các trung tâm chăm sóc tích cực tại các bệnh viện, bảo vệ, hỗ trợ và tiếp viện cho lực lượng y tế trên tuyến đầu chống dịch.
Tổ chức Y tế thế giới nhận định đại dịch COVID-19 có thể kéo dài và thế giới khó có thể quay trở lại thời kỳ “tiền COVID-19”. Xác định tâm lý “sống chung với virus”, mỗi người dân cần phải có trách nhiệm, bảo vệ sức khỏe của mình cũng như những người xung quanh, góp phần chung tay đẩy lùi đại dịch.