Một cách đều đặn, các phương tiện truyền thông trên thế giới viết rằng, Triều Tiên đang trên ranh giới của thời kỳ cải cách, sẽ khởi động trong tương lai rất gần. Lần đầu tiên là vào năm 1984. Nhưng sau đó, thế giới đã phải chờ đợi cuộc cải cách của Triều Tiên trong gần 30 năm. Và bây giờ có vẻ là thứ chờ đợi sắp đến.
|
Khi phải lựa chọn giữa sụp đổ chắc chắn và sự sống còn đầy mạo hiểm, nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ chọn phương án cải cách, thay đổi đất nước. |
Đầu những năm 2000, ở Triều Tiên bắt đầu một số cải cách nào đó, nhưng đến cuối thời kỳ nắm quyền của ông Kim Jong Il thì đã trở nên rõ ràng rằng, ban lãnh đạo Triều Tiên không định làm điều tương tự như những gì được thực hiện ở Trung Quốc.
Không giống với Trung Quốc hiện nay, trên bán đảo Triều Tiên là tình trạng phân chia, sự khác biệt chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế và mức sống cư dân giữa hai miền Bắc và Nam Triều Tiên là rất cao. Một khi tiến hành cải cách chắc chắn dẫn đến việc phổ biến ở Bắc Triều Tiên những thông tin rằng miền Nam – Hàn Quốc – đã tiến xa về phía trước đến chừng nào. Tiếp theo, hệ quả khác của cải cách sẽ có thể là một số tự do hóa chính trị nhất định, khiến cho cư dân Bắc Triều Tiên dần dà bớt sợ chính quyền.
Viễn cảnh giảm nỗi sợ hãi trước công quyền kết hợp với đà gia tăng nhận thức của cư dân, rằng đất nước đang ở trong cuộc khủng hoảng sâu sắc và liên tục, sẽ cộng hưởng tạo khả năng kích động tình hình cách mạng trong nước. Đương nhiên, kịch bản diễn biến thay đổi bước ngoặt như vậy không nằm trong kế hoạch của Kim Jong Il. Vì vậy, ông đã quyết định không tiến hành cải cách, hy sinh sự phát triển kinh tế để tránh rủi ro đổ vỡ chính trị.
Thời gian gần đây xuất hiện một vài dấu hiệu cho thấy, tân lãnh đạo Triều Tiên có xu hướng khá nghiêm túc thiên về cải cách. Đôi khi điều này được giải thích bởi những đặc thù của kinh nghiệm cá nhân Kim Jong-un: người ta nhắc rằng trong quá khứ ông từng học tập tại Thụy Sĩ và dường như điều này có thể là một yếu tố tạo dựng tinh thần cải cách hướng tới tiến bộ.
Tuy nhiên, nhiều phần chắc hơn là, căn nguyên cơ bản khiến nhà lãnh đạo mới của Triều Tiên sẵn sàng cải cách, chính là tình huống phức tạp đang hiện hữu ở đây. Một mặt hình mẫu cải cách Trung Quốc vẫn như trước đây là hiện thân của mối đe dọa với bảo tồn sự ổn định chính trị đơn khối trong nước. Mặt khác, ngày càng trở nên rõ ràng rằng hệ thống cũ đang dần tan rã và ngăn chặn sự sụp đổ này là chuyện không thể.
Kinh tế quốc doanh đang hoạt động rất kém. Cư dân sống qua ngày chỉ nhờ vào sự tồn tại của thị trường chợ đen. Thậm chí, khó có thể gọi nó là “chợ đen”, vì rằng Nhà nước biết về sự hiện diện của loại thị trường này, và không hiếm khi các tổ chức quốc doanh còn tích cực hiệp lực cùng với tư bản tư nhân. Đang diễn ra cả sự xâm nhập của dòng thông tin vào CHDCND Triều Tiên, hé mở về một cuộc sống khác trên thế giới bên ngoài và chính quyền không thể chặn đứng quá trình này.
Trong tình huống như vậy, nhà lãnh đạo mới của Triều Tiên không còn lựa chọn nào khác hơn, ngoài việc chấp nhận mạo hiểm và cố nắm lấy quyền chủ động vào tay mình. Ông Kim Jong Il đã qua đời, những người thân cận của ông cũng đều cao tuổi. Họ từng hy vọng rằng, bất chấp xu hướng dần tan rã, hệ thống hiện có ở Triều Tiên sẽ tồn tại bình yên được thêm 10, 15 hay thậm chí là 20 năm nữa.
Tuy nhiên, đối với Kim Jong-un và các cố vấn của nhà lãnh đạo trẻ, mà nhiều người hiện nay chỉ khoảng 30 tuổi, thì không có cơ sở nào dành cho niềm hy vọng như vậy. Nếu họ không thay đổi điều gì, hệ thống của họ sẽ không sống nổi mà sẽ sụp đổ chỉ trong vòng một vài thập niên, với mọi hậu quả đáng tiếc nhất cho tầng lớp tinh hoa lãnh đạo hiện tại ở đất nước này.
Trái lại, mặc dù mạo hiểm, cải cách vẫn cho những cơ may là họ có thể duy trì được sự kiểm soát với tình hình. Vì vậy, khi lựa chọn giữa sụp đổ chắc chắn và sự sống còn đầy mạo hiểm, hẳn là lãnh đạo Triều Tiên sẽ chọn phương án thứ hai.