|
Ảnh minh họa.
|
Theo thông tín viên Jim Malone của
VOA, nguồn gốc của cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Mỹ có từ ít nhất là hai thập kỷ trước.
Sự phân cực chính trị bắt đầu mạnh lên đáng kể trong những năm đầu đến giữa những năm 1990 sau khi ứng viên đảng Dân chủ Bill Clinton đắc cử tổng thống.
Đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát cả hai viện Quốc hội vào năm 1994 lần đầu tiên trong 40 năm. Những bất đồng trong vấn đề chi tiêu và vai trò của chính phủ đã khiến cho guồng máy của Tổng thống Clinton bị ngừng hoạt động 2 lần.
Cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi gay gắt năm 2000 mà George W. Bush đắc cử cũng làm trầm trọng thêm chia rẽ phe phái chính trị. Giáo sư Larry Sabato thuộc Đại học Virginia cho biết sự phân hóa sâu sắc đảng phái chính trị bắt đầu từ nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Bush. Ông nhận định: “Phân hóa tăng lên dưới thời Tổng thống Bush vì cuộc chiến Iraq và cách thức ông ta xử lý trận bão Katrina. Sự phân hóa này tăng nhanh khi Tổng thống Obama đắc cử”.
Sự chia rẽ đảng phái trở nên lớn hơn khi Tổng thống Barack Obama thúc đẩy Quốc hội thông qua luật cải tổ chăm sóc y tế mang tính bước ngoặt vào năm 2010 mà không có cuộc bỏ phiếu nào của phe Cộng hòa. Sự kiện này góp phần làm nổi lên nhóm bảo thủ như Đảng Trà (Tea Party), một nhóm bỏ phiếu quan trọng trong nội bộ đảng Cộng hòa.
Luật chăm sóc sức khỏe, còn được gọi là Obamacare, là trung tâm của vụ tranh cãi giữa Nhà Trắng và Quốc hội làm chính phủ ngưng hoạt động. Phe Cộng hòa đã nhiều lần tìm cách rút ngân quỹ hoặc trì hoãn thực thi bộ luật này.
Tổng thống Obama tin rằng bộ luật là thành tích nổi bật trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Với sự hỗ trợ của phe Dân chủ ở Quốc hội, ông chống lại bất cứ nỗ lực nào nhằm ngăn chặn hay trì hoãn luật đó.
Chuyên gia Peter Brown của tổ chức thăm dò dư luận Quinnipiac phân tích: “Phe Cộng hòa muốn chính phủ nhỏ hơn, chi tiêu ít hơn và do đó chống đối Obamacare. Phe Dân chủ nhìn chung có khuynh hướng ủng hộ chính phủ giải quyết vấn đề và họ thấy Obamacare là điều nên làm để cải thiện vấn đề chăm sóc y tế”.
Một nhóm những dân biểu Cộng hòa bảo thủ trong Hạ viện dẫn đầu nỗ lực chống đối luật chăm sóc y tế. Nhiều người trong số họ dựa vào sự ủng hộ mạnh mẽ của những người hay tổ chức hoạt động của phong trào Tea Party.
Nhà phân tích Larry Sabato nói một nhóm dân biểu Cộng hòa bảo thủ trong Hạ viện chấp nhận bị đổ lỗi cho tình trạng chính phủ đóng cửa và “sẽ phải trả giá đắt”.
Sự chống đối của phe Cộng hòa cũng bắt nguồn từ sự thù dai đối với Tổng thống Obama. Nhà phân tích Charlie Cook nói: "Cứ mỗi lần Tổng thống Obama lên tiếng là có rất nhiều người trong phe Cộng hòa phản bác. Họ làm ngược lại, bất kể đó là điều gì”.
Cho tới thời điểm này, ông Larry Sabato nhận thấy sẽ không có một giải pháp nhanh chóng cho tình trạng chính phủ ngưng hoạt động. Ðiều này chỉ càng làm tăng thêm sự bất ổn chính trị vì Quốc hội sẽ sớm phải quyết định nâng giới hạn mức vay nợ. Nếu không, nước Mỹ có thể lâm vào cảnh vỡ nợ, gây thiệt hại sẽ rất lớn cho kinh tế toàn cầu.