Thất bại rõ ràng của Quốc hội Mỹ về ngân sách liên bang 2014 chắc chắn đang làm nảy sinh nhiều nghi vấn.
Những phe phái đối địch nhau đang tự đẩy mình vào bế tắc, không thể thỏa thuận về một biện pháp cho phép nhà nước Mỹ thực hiện các chức năng cơ bản nhất của nó. Cuộc khủng hoảng hiện nay đã khiến cho cộng đồng quốc tế đặt nhiều câu hỏi về khả năng của nhà nước này trong việc cai trị một quốc gia phức tạp gồm 300 triệu dân.
Một nhóm nhỏ các dân biểu Hạ viện đã ngăn chặn việc thông qua một dự luật về chi tiêu của chính phủ và đang đe dọa việc cơ cấu các khoản nợ của Mỹ… bởi vì họ bất bình với Luật bảo hiểm y tế (còn được gọi là Obamacare) đã được Quốc hội Mỹ thông qua cách đây ba năm. Họ đã đem ra đặt cược nền kinh tế lớn nhất thế giới và đồng tiền chủ đạo của thương mại toàn cầu.
Ngoài việc 800.000 công chức bị nghỉ không lương, các dự án y tế đình chỉ và doanh thu của ngành du lịch bị sụt giảm mạnh, chỉ riêng việc đóng cửa Công viên Quốc gia Yosemite đã khiến cho kinh tế bang California bị mất đi 350 triệu USD một năm.
Thế nhưng cuộc khủng hoảng chính phủ bị đóng cửa từng phần hiện nay xem ra chẳng thấm vào đâu, nếu so với nguy cơ nước Mỹ sẽ bị vỡ nợ. Nếu Mỹ mất khả năng thanh toán nợ, một cuộc khủng hoảng tài chính sẽ xảy ra và lớn gấp bội cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu do vụ Lehman Brothers đổ vỡ gây ra.
Đó là một triển vọng đáng sợ, nhưng nhóm dân biểu Cộng hòa cực đoan trong Hạ viện Mỹ xem ra đang đùa rỡn với thảm họa. Họ đã buộc Chủ tịch Hạ viện John Boehner đi theo con đường đối đầu với chính quyền Obama, trong khi nhóm hạ nghị sĩ của Đảng Trà ghét Chủ tịch Hạ viện John Boehner chẳng kém gì Tổng thống Obama.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện John Boehner đã đổ lỗi cho Tổng thống Mỹ không chịu đàm phán lại về Luật bảo hiểm y tế, còn Tổng thống Obama lại từ chối thương lượng về một đạo luật đã được Quốc hội Mỹ phê chuẩn cách đây 3 năm và giao cho ngành hành pháp thực hiện. Tổng thống Obama nói: “Đó là một phần chức năng cơ bản của chính phủ và đó cũng không phải là một đặc ân dành riêng cho tôi”.
Sẽ là thái quá, nếu gọi nước Mỹ là “nhà nước thất bại”, nhưng ý nghĩ này vẫn ám ảnh tâm trí của nhiều người trên toàn thế giới.
Nước Mỹ có “một nền dân chủ khác thường” và đang phải đối mặt với vấn đề có tính chất hệ thống. Vấn đề không phải là Luật bảo hiểm y tế Obamacare mà là cơ bản, sâu xa hơn nhiều - liên quan đến bản hiến pháp phức tạp mà người Mỹ thường tự hào là “một trong những thành quả chính trị lớn nhất thế giới”.
Người Mỹ thường rao giảng cho các nước khác về quản trị kinh doanh, nhưng đã đến lúc phần còn lại của thế giới cũng nên dạy cho Washington cách thức điều hành đất nước hiệu quả.