Trong nhiều năm qua, những lời đe dọa của CHDCND Triều Tiên thường bị phớt lờ. Seoul vẫn không chìm trong "biển lửa", bất chấp những lời đe dọa tiến hành cuộc chiến tổng lực lặp đi lặp lại của Bình Nhưỡng.
|
Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un hạ lệnh cho quân đội trên biên giới liên Triều "sẵn sàng chiến đấu".
|
Mặc dù hai miền Triều Tiên đã tổ chức cuộc hội đàm cấp cao ngày 22/8 sau thời hạn chót của Bình Nhưỡng về việc Hàn Quốc phải dỡ bỏ các hệ thống loa phóng thanh tuyên truyền, vụ đấu pháo vừa qua cho thấy cuối cùng Bình Nhưỡng có thể cũng “hành động đi đôi với lời nói”.
Vậy lần này có gì khác so với những lần trước?
Một phần, đó là Triều Tiên đã thực hiện lời đe dọa tấn công các loa phóng thanh tuyên truyền chống Bình Nhưỡng và đặt ra thời hạn chót cụ thể cho Hàn Quốc phải dỡ bỏ các loa phóng thanh vào 17h00 ngày 22/8.
Quân đội Hàn Quốc hôm 20/8 nói rằng Triều Tiên đã bắn qua biên giới và sau đó bị giáng trả bằng hàng chục đạn pháo bắn từ miền nam. Nếu Triều Tiên đã nã pháo qua biên giới một lần, rất có thể Bình Nhưỡng sẽ lại làm điều đó khi Hàn Quốc phớt lờ thời hạn rất cụ thể trong tối hậu thư.
Những sự lo lắng mới cũng xuất phát từ tính cách bất thường của thế hệ lãnh đạo trẻ thứ ba, dưới sự cầm lái của ông Kim Jong -un.
Các nhà lãnh đạo trước đó của Triều Tiên (Chủ tịch lập quốc Kim Il-sung và con trai của ông là Kim Jong-il) vốn là bậc thầy chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh”. Đó là các nhà lãnh đạo biết cách làm thế nào để chơi một trò chơi nguy hiểm với những lời đe dọa và hành động khiêu khích để buộc đối phương nhượng bộ và viện trợ.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo thế hệ ba Kim Jong-un vẫn còn non nớt, thiếu kinh nghiệm và khá liều lĩnh. Sau một loạt các vụ thanh trừng các quan chức dân sự và quân sự cao cấp, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un cần phải thể hiện quyền uy tối thượng.
Với việc triển khai hàng chục ngàn binh lính và vũ khí hạng nặng đối diện với thủ đô Seoul 10 triệu dân của Hàn Quốc, người ta vẫn không chắc chắn về việc nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un sẽ làm gì. Người ta không thể bỏ qua nguy cơ chiến tranh, ngay cả khi những lời đe dọa lần trước tỏ ra là “lời nói cửa miệng”.
Đã có đổ máu, nhưng các cuộc đụng độ trong nhiều thập kỷ gần đây đã không leo thang thành xung đột lớn. Hiện tại, nguy cơ có vẻ lớn hơn vì tổng thống Hàn Quốc đã chỉ thị cho quân đội để “giáng trả mạnh mẽ”, nếu bị tấn công.
Tuy khó có thể dự đoán trước hành động của Triều Tiên, hiện có một số dấu hiệu cho thấy căng thẳng sẽ giảm bớt.
Trước hết, có một nguyên tắc “bất di bất dịch” là sự lãnh đạo “cha truyền con nối” ở CHDCND Triều Tiên cần được duy trì.
Mặc dù vô cùng phẫn nộ trước những lời chỉ trích được truyền qua hệ thống loa phóng thanh của Hàn Quốc trên biên giới, xem ra Bình Nhưỡng không muốn làm bất cứ điều gì có thể đe dọa đến “quyền lực tối cao” mà nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un vốn được thừa hưởng từ ông nội là Chủ tịch Kim Il-sung , người sáng lập CHDCND Triều Tiên vào năm 1948.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thừa hiểu rằng biến các vụ đụng độ nhỏ thành chiến tranh tổng lực sẽ là tự sát. Mỹ vẫn còn triển khai hàng chục nghìn binh sĩ tại Hàn Quốc và vũ khí của liên quân Mỹ-Hàn hiện đại gấp bội vũ khí của Triều Tiên. Triều Tiên có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho thủ đô Seoul, nhưng kết quả cuối cùng của cuộc chiến tổng lực sẽ là thủ tiêu sự thống trị “cha truyền con nối” của dòng tộc Kim Il-sung.
Chính vì vậy mà ban lãnh đạo Triều Tiên đã trù liệu sẵn cách gỡ thể diện và trong cuộc đấu pháo ngày 20/8, khi cả hai bên đều nã pháo “vô hại” vào khu vực không có người ở.
Căng thẳng hiện nay có thể giảm bớt một phần vì cuộc tập trận hàng năm có sự tham gia của 80.000 binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc. Mặc dù Bình Nhưỡng cực kỳ căm ghét các cuộc tập trận Mỹ-Hàn mà họ gọi là “để chuẩn bị chiến tranh”, nhưng gây chiến vào thời điểm này quả là hành động dại dột, tự chuốc họa vào thân.