Theo nhật báo Corriere della Sera, một tài liệu mật về chiến dịch này được thông qua vào ngày 10/2 cho biết quân đội Italy sẽ sát cánh chiến đấu với các lực lượng đặc biệt của Mỹ, Anh và Pháp vốn hoạt động tại Libya trong mấy tuần qua.
|
Binh sĩ quân đội Italy.
|
Báo La Repubblica viết với các đơn vị
đặc nhiệm Italy đầu tiên đã sẵn sàng triển khai tới Libya trong vòng 10 ngày tới, hiện vẫn còn nhiều nghi ngờ về mục tiêu và tính hợp pháp của chiến dịch này. Báo này viết: "Có cảm giác rằng đồng hồ đếm ngược đã được khởi động cho một chiến dịch ở Địa Trung Hải. Có vẻ như cái chết bi thảm của Fausto Piano và Salvatore Failla (hai con tin người Italy bị phiến quân giết chết ở Libya) đang dẫn đến một chiến dịch quy mô lớn”.
Tuy nhiên, hiện có nhiều nghi vấn về chiến dịch này. Vấn đề đầu tiên là tính hợp pháp của chiến dịch. Để đưa binh sĩ phương Tây vào Libya, cần phải có yêu cầu của một chính phủ hợp pháp của nước này. Hơn nữa, mục tiêu của chiến dịch này là gì: tiêu diệt phiến quân IS hay giúp xây dựng Quân đội quốc gia Libya?
Bài báo viết tiếp: "Và câu hỏi chính là lợi ích quốc gia nào mà Italy muốn bảo vệ? Có nguy cơ một lần nữa Italy có thể bị lôi kéo vào cuộc chiến này với mục đích duy nhất: không bị mất đồng minh”.
Tất nhiên, chiến dịch này sẽ là chiến dịch quân sự lớn nhất của Italy kể từ năm 1943. Theo ước tính, có từ 3.000 đến 7.000 binh sĩ nước ngoài sẽ được triển khai ở Libya và một phần ba trong số đó là binh sĩ Italy. Việc triển khai toàn bộ số quân nói trên có thể mất đến một tháng, nhưng đơn vị đặc nhiệm đầu tiên có thể được triển khai trong vòng 10 ngày tới để đi kiểm soát sân bay.
Tuần trước, Hội đồng Quốc phòng Tối cao gồm Tổng thống, các Bộ trưởng chủ chốt và các vị chỉ huy quân sự đã nhóm họp tại Quirinal Palace và quyết định bắt đầu chuẩn bị quân đội. Sau đó, tại sân bay Centocelle tại Rome, việc chuẩn bị nhân sự đã được bắt đầu.
Theo La Repubblica, sẽ có hai lựa chọn hoặc đổ quân vào Libya từ sân bay Centocelle hoặc từ Tripoli, nếu an toàn được đảm bảo.
Ngoài lực lượng Italy, các đơn vị cơ động của các nước khác cũng sẽ được triển khai ở Libya. Một số nước như Anh tích cực tham gia vào chiến dịch này, trong khi các nước khác như Đức và Tây Ban Nha hiện đang cân nhắc rủi ro và xem xét vai trò của nước họ. Các nước nhỏ hơn sẽ cung cấp một số hỗ trợ chuyên môn. Mỹ sẽ liên lạc với các lực lượng Địa Trung Hải - bao gồm tàu chiến, máy bay chiến đấu và các đơn vị đặc nhiệm. Sân bay Sigonell sẽ đóng vai trò quan trọng trong sứ mạng này.
Các binh sĩ Italy sẽ nhận được sự hỗ trợ của lực lượng hải quân, với ít nhất một tàu sân bay trực thăng lớp San Giorgio. Tàu sân bay trực thăng này sẽ chở theo Tiểu đoàn thủy quân lục chiến San Marco với đầy đủ xe bọc thép đổ bộ. Thủy quân lục chiến sẽ là lực lượng dự bị hoặc tăng viện cho lực lượng bộ binh Italy trong các tình huống khẩn cấp. Một tàu hậu cần được dự kiến huy động cho chiến dịch này. Chiến dịch này cũng nhận được sự yểm trợ trên không của các chiến đấu cơ cất cánh từ sân bay Trapani ở đảo Sicily.
Số lượng và quân chủng của lực lượng Italy đổ bộ vào Libya sẽ phụ thuộc vào loại hình chiến dịch. Nếu đạt được thỏa thuận thành lập một nhà nước Libya đoàn kết, chiến dịch này sẽ là lâu dài và đòi hỏi phải có ít nhất 5.000 binh sĩ. Một lực lượng như vậy sẽ là đủ để bảo vệ cơ sở hạ tầng ở Libya - gồm các cảng biển, sân bay và các mỏ dầu. Lực lượng này cũng sẽ giúp xây dựng Quân đội quốc gia Libya.
Theo bài báo, nếu sứ mệnh chỉ nhằm tiêu diệt phiến quân IS, chỉ cần triển khai ở Libya khoảng 3.000 binh sĩ, trong đó có 200 lính đặc nhiệm và một phi đội máy bay trực thăng chiến đấu Mangusta. Theo kịch bản này, bộ chỉ huy tiền phương có thể được đặt ở Tunisia, nước đã được cho phép quân đội Anh lập căn cứ tác chiến.
Video liên quân phương Tây không kích Libya, lật đổ Đại tá Gaddafi (Nguồn VTV1):