Trong nhiều thập kỷ, lệ thuộc vào Mỹ đã giúp ích cho nền an ninh Nhật Bản, tuy nhiên chiến lược đó đang trở nên lỗi thời do thay đổi lớn về địa chính trị trong khu vực.Ông Abe hi vọng hiến pháp mới sẽ giúp Nhật thay đổi vị thế hiện tại.
Tuy nhiên, giáo sư về chiến lược Hugh White thuộc ĐH Quốc gia Australia cho rằng việc xây dựng các lực lượng phòng vệ tập thể không giúp ích hơn cho Nhật Bản trong việc đảm bảo an ninh.
Dưới đây là nội dung bài viết của giáo sư Hugh White:
Nhật Bản hi vọng gì ở hiến pháp mới?
Chiến lược an ninh trước đây của Nhật Bản trở nên lỗi thời do sự thay đổi trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc càng mạnh, Nhật Bản càng lo sợ rằng Bắc Kinh dùng sức mạnh để “lấn lướt” Tokyo. Nhật Bản cũng cho rằng Mỹ sẽ không lúc nào cũng có mặt để giúp họ
đối phó với Trung Quốc.
Khi chi phí về kinh tế và quân sự để đối đầu với Trung Quốc tăng lên, Mỹ sẽ càng giảm mong muốn giúp bảo vệ các lợi ích của Nhật Bản và lợi ích của Nhật Bản và Mỹ không phải lúc nào cũng trùng nhau. Do đó, Nhật Bản cảm thấy không tự tin với chiến lược dựa vào Mỹ như trước đây. Những gì diễn ra xung quanh quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư trên biển Hoa Đông là thách thức lớn nhất về mặt chiến lược mà Nhật Bản phải đối mặt kể từ sau Chiến tranh thế giới II.
|
Thủ tướng Shinzo Abe đã thành công trong việc đưa quân đội Nhật Bản quay trở lại. |
Liệu các lực lượng phòng vệ tập thể hay nói cách khác một lực lượng quân đội đúng nghĩa có giúp Nhật Bản giải quyết vấn đề này không?
Có vẻ rất đơn giản khi khẳng định là có: nếu nỗ lực hơn nữa để ủng hộ Mỹ chống Trung Quốc, Nhật Bản vừa khiến Mỹ sẵn lòng trợ giúp và có động lực để giúp Nhật Bản cùng chống lại Trung Quốc.
Đây là mô hình chia sẻ gánh nặng mà các mối quan hệ đồng minh trên thế giới vẫn theo đuổi trong thế kỷ qua. Đó là cách mà Australia vẫn thực hiện trong mối quan hệ đồng minh với Mỹ và Anh. Thực tế, trong mối quan hệ đồng minh với Mỹ, Nhật là quốc gia duy nhất không phải chia sẻ gánh nặng, do đó động thái vừa qua của Nhật Bản chỉ đơn thuần đưa nước này đi theo con đường như các đồng minh khác của Mỹ.
Tuy nhiên, việc xây dựng các lực lượng phòng vệ tập thể sẽ chỉ có thể củng cố sự hậu thuẫn của Mỹ với Nhật Bản hay khôi phục niềm tin của Nhật Bản vào mối quan hệ đồng minh với Mỹ nếu động thái đó giải quyết trực diện các vấn đề làm xói mòn mối quan hệ đó.
Không có lợi ích, liệu Mỹ có giúp Nhật?
Xét về khía cạnh quân sự, việc Nhật Bản xây dựng các lực lượng vũ trang hầu như không giúp làm thay đổi gì năng lực của Mỹ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ở khu vực tây Thái Bình Dương.
Lý do đơn giản là ngay cả với sự ủng hộ của Nhật Bản, Mỹ cũng không thể giành được quyền kiểm soát toàn bộ tây Thái Bình Dưong khi Trung Quốc xây dựng lực lượng hải quân chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2AD).
Mặt khác, ngay cả khi không có sự ủng hộ của Nhật Bản, Mỹ cũng dễ dàng ngăn Trung Quốc chiếm toàn bộ tây Thái Bình Dương. Do đó, sự ủng hộ của Nhật Bản không làm thay đổi thế giằng co giữa Mỹ và Trung Quốc ở tây Thái Bình Dương, vùng biển trước cửa nhà của Trung Quốc. Nói cách khác, việc Nhật Bản xây dựng các lực lượng phòng vệ tập thể không giúp giảm chi phí và các rủi ro mà Mỹ vấp phải khi đối đầu với Trung Quốc.
|
Tàu JDS Kirishima (DDG 174) của Nhật tới dự tập trận RIMPAC 2014. |
Ngay cả việc chia sẻ gánh nặng của Nhật Bản cũng không làm thay đổi việc Mỹ sẵn lòng gánh toàn bộ chi phí và rủi ro thay cho Nhật Bản.Mỹ có lý do để ủng hộ Nhật Bản và bảo vệ mối quan hệ đồng minh vì điều đó có vai trò then chốt giúp duy trì vị trí thống lĩnh châu Á của Mỹ. Tuy nhiên việc Nhật Bản nhất quyết xây dựng lực lượng vũ trang cho thấy chi phí và những rủi ro của việc đối đầu với Trung Quốc là quá lớn và khiến Nhật Bản không tự tin chỉ lệ thuộc vào mối quan hệ đồng minh với Mỹ.
Cũng chưa rõ liệu việc Nhật Bản xây dựng quân đội có giúp ích gì cho Mỹ hay không. Australia đã quen với những tiếng nói lập luận rằng các đồng minh lớn sẽ tới giúp đồng minh nhỏ nếu quốc gia nhỏ đó thanh toán “phần” của mình. Tuy nhiên, lối lập luận về đạo đức này thường không có tác dụng. Tính toán của Tokyo sẽ là không khôn ngoan nếu mặc định rằng Mỹ sẽ biết ơn Nhật Bản vì sự ủng hộ của Nhật Bản về quân sự và rằng Washington sẽ cảm thấy có nghĩa vụ phải đứng về phía Nhật Bản chiến đấu chống lại Trung Quốc trong khi các lợi ích của Mỹ không đòi hỏi điều đó.
Nói cách khác, việc Nhật Bản xây dựng các lực lượng phòng vệ để thực hiện “trách nhiệm” của quốc gia nhỏ hơn trong mối quan hệ đồng minh với Mỹ sẽ không giúp giải quyết các vấn đề về chiến lược của Nhật Bản. Tất nhiên có thể Nhật Bản đang “toan tính” về một mô hình các lực lượng phòng vệ với quy mô rộng lớn hơn. Có lẽ Tokyo xây dựng quân đội để có thể tham gia hoặc thậm chí là dẫn đầu
một liên minh lớn hơn trong khu vực để cản lại sự lớn mạnh của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đó cũng không giúp Nhật Bản trở nên an toàn hơn.
Phương án tốt nhất cho an ninh Nhật Bản trong thế kỷ 21 là xây dựng các lực lượng để tự vệ không lệ thuộc vào các nước khác cũng như
không đe dọa các nước khác. Với năng lực kinh tế và quân sự lớn mạnh, Nhật Bản hoàn toàn có thể làm được điều này tuy nhiên chính quyền của ông Abe sẽ phải nỗ lực hơn nữa cả về mặt chính trị và ngoại giao để đạt mục tiêu đó.