Theo tờ Yomiuri Shimbun, Lực lượng Phòng vệ biển (MSDF) của Nhật Bản và Hải quân Mỹ đang tiến hành tập trận hải chung và đây là cuộc tập trận chung của tàu chiến hai nước ở Biển Đông. Cuộc diễn tập chung này được tiến hành, sau khi Mỹ lần đầu tiên đưa tàu khu trục tên lửa USS Lassen đi vào vùng biển 12 hải lý xung quanh Đá Xu Bi, một bãi ngầm bị Trung Quốc bồi đắp trái phép tại quần đảo Trường Sa.
|
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Hải quân Mỹ.
|
Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói với báo Yomiuri rằng cuộc tập trận giữa hai lực lượng hải quân Mỹ-Nhật là "một cuộc tập trận bình thường và không liên quan đến các hoạt động tuần tra của Hải quân Mỹ ở Biển Đông”. Có tin nói, cuộc
tập trận chung Mỹ-Nhật được cho là không diễn ra gần quần đảo Trường Sa.
Theo báo Yomiuri, tàu khu trục JS Fuyuzuki lớp Akizuki của Nhật Bản hiện đang tiến hành tập trận ở một nơi không xác định trên Biển Đông cùng với tàu sân bay USS Theodore Roosevelt lớp Nimitz. Cả tàu khu trục Fuyuzuki lẫn tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã tham gia cuộc tập trận hải quân chung Malabar 2015, một cuộc tập trận hải quân Ấn Độ- Mỹ-Nhật ở Ấn Độ Dương. Cuộc tập trận hải quân ba bên này kết thúc vào ngày 19/10/2015.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt neo đậu ở Singapore vào ngày 24, ba ngày trước khi Mỹ xúc tiến kế hoạch tự do hàng hải ở vùng biển quần đảo Trường Sa.
Cuộc tập trận ở Biển Đông giữa Hải quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản bắt đầu vào ngày 28/10 và sẽ "tiếp tục trong vài ngày tới".
Trong khi đó, báo Mainichi đưa tin tàu khu trục Fuyuzuki và tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đi chuyển "đến vùng biển phía bắc của đảo Borneo ở phía nam Biển Đông”. Tàu khu trục Fuyuzuki dự kiến sẽ quay trở lại Nhật Bản vào ngày 10/11. Điều này có nghĩa là cuộc tập trận hải quân chung Mỹ-Nhật kéo dài gần hai tuần.
Cho đến nay, sự can dự của Nhật Bản ở Biển Đông là khá hạn chế. Gần đây nhất, trong tháng Tám, Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản đã tham gia một cuộc diễn tập nhân đạo với Mỹ và Philippines ở bên ngoài Vịnh Subic, một căn cứ hải quân cũ của Mỹ.
|
Máy bay P3-C Orion của Lực lượng Phòng vệ biển (MSDF) của Nhật Bản.
|
Trước đó, hồi tháng Sáu, MSDF đã cử một máy bay do thám P3-C Orion bay qua Reed Bank ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang tranh chấp với Philippines. Trong thời gian hoạt động, máy bay P3-C Orion của MSDF chở theo ba sĩ quan hải quân Philippines.
Cuộc tập trận chung Mỹ-Nhật đang diễn ra ở Biển Đông không nằm trong khuôn khổ bảo đảm “tự do hàng hải. Mỹ có thể xem xét mời Nhật Bản để tham gia hoạt động bảo đảm “tự do hàng hải” ở Biển Đông. Nhưng Nhật Bản có lý do để tránh hiện diện quân sự thường xuyên ở Biển Đông, mặc dù các quan chức Nhật Bản rằng họ sẽ xem xét việc tuần tra chung ở Biển Đông với Mỹ.