Trong một bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat ngày 29/10, học giả người Mỹ Graham Webster – nhà nghiên cứu, giảng viên và thành viên cao cấp của Trung tâm Trung Quốc tại Trường Luật Yale - cho rằng nếu nghiên cứu kỹ lưỡng những tuyên bố bằng tiếng Trung của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc, người ta thấy sự “tinh tế nghiêm ngặt” trong ngôn từ và nỗ lực duy trì “sách lược mập mờ” về vấn đề cốt lõi liên quan đến lập trường của Bắc Kinh.
|
Tàu khu trục tên lửa USS Lassen tập trận ở Thái Bình Dương.
|
Liệu các quan chức ở Bắc Kinh có cho rằng Hải quân Mỹ đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc (khi đưa tàu khu trục tên lửa USS Lassen tuần tra gần “đảo nhân tạo” Đá Xu Bi)? Câu trả lời là không rõ ràng. Trung Quốc có đòi hỏi chủ quyền lãnh hải xung quanh các đảo nhân tạo bồi đắp trái phép vượt quá qui định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)? Quá mập mờ. Bắc Kinh có lên án hành động tuần tra của Mỹ vừa qua ở
Biển Đông là bất hợp pháp? Không hẳn là như vậy.
Phản ứng chính thức của Trung Quốc tìm cách né tránh trả những câu hỏi hóc búa nói trên.
Trong tháng 5/2015, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh cảnh báo Mỹ "vi phạm chủ quyền và đe dọa an ninh quốc gia của Trung Quốc”. Hồi đầu tháng 10, bà Hoa Xuân Oánh lên tiếng phản đối "hành vi xâm phạm lãnh hải và không phận của Trung Quốc”. Thuật ngữ "lãnh hải" và cụm từ "vi phạm" vốn được Trung Quốc sử dụng khi Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp ở Biển Hoa Đông.
Theo qui định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), chỉ các tính năng nhô lên trên mặt nước biển khi thủy triều dâng cao mới được quyền có lãnh hải rộng 12 hải lý.
Nếu Hải quân Mỹ xâm nhập trong phạm vi 12 hải lý của một “đảo nhân tạo” bồi đắp trái phép và bị Bắc Kinh tố cáo là xâm phạm “lãnh hải” hoặc “chủ quyền”, thì bản thân Trung Quốc đã vi phạm các qui định của UNCLOS.
Trong thực tế, tàu chiến Mỹ đã xâm nhập vùng biển 12 hải lý xung quanh bãi ngầm Đá Xu Bi chỉ nhô lên mặt nước khi thủy triều xuống thấp (Mỹ không công nhận việc Trung Quốc phá vỡ nguyên trạng, hút cát bồi đắp trái phép biến rạn san hô ngầm thành “đảo nhân tạo” ở Đá Xu Bi). Hành động này quả là một cái bẫy đối với Trung Quốc.
|
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng.
|
Phản ứng đầu tiên của Trung Quốc đến từ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lục Khảng. Ông Lục Khảng khẳng định rằng tàu chiến Mỹ đã xâm nhập trái phép “vùng biển gần” các tính năng (mà Trung Quốc chiếm giữ) ở Biển Đông. Ông này đã không sử dụng thuật ngữ “lãnh hải” mà chỉ dùng thuật ngữ “vùng biển gần” hay “vùng biển cận kề”. Lục Khảng cho biết các hoạt động của Mỹ "đe dọa chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc", nhưng lại không nói những lợi ích nào bị đe dọa.
Giảm nhẹ cảnh báo trước đó của người phát ngôn Hoa Xuân Oánh về việc Mỹ sử dụng “tự do hàng hải” (FON) như một cái cớ để "xâm phạm" chủ quyền (của Trung Quốc), phát ngôn viên Lục Khảng kêu gọi Mỹ hạn chế các hành động "gây bất lợi đối với chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc”.
Phát ngôn viên Lục Khảng đã tránh đưa ra một tuyên bố rõ ràng về việc liệu bãi ngầm Đá Xu Bi bị Trung Quốc biến thành “đảo nhân tạo” có lãnh hải 12 hải lý hay không và liệu Hải quân Mỹ có vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Ông này cũng không nói rõ những vùng biển cụ thể nào ở Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và điều gì sẽ xảy ra trong bất kỳ cuộc đối đầu tàu chiến Trung-Mỹ trong tương lai.
|
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân tránh sử dụng thuật ngữ "lãnh hải" và thay vào đó sử dụng thuật ngữ "vùng nước ngoài khơi" và "vùng biển lân cận".
|
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cũng có cách nói riêng. Ông Dương Vũ Quân cũng tránh sử dụng thuật ngữ "lãnh hải" và thay vào đó sử dụng thuật ngữ "vùng nước ngoài khơi" và "vùng biển lân cận". Ông này tránh gọi hành động của Mỹ là bất hợp pháp, mà là sự lạm dụng các quyền tự do hàng hải được quy định trong luật pháp quốc tế. Phát ngôn viên Dương Vũ Quân tuyên bố hành động của Mỹ đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của Trung Quốc (mặc dù không nói rõ là đe dọa chủ quyền) và kêu gọi Mỹ tôn trọng mối quan tâm của Trung Quốc về chủ quyền và an ninh quốc gia.
Bằng cách tránh thuật ngữ "lãnh hải" và không chịu đưa ra bất kỳ bằng chứng rõ ràng nào làm cơ sở để qui kết hành động (đưa tàu USS Lassen tuần tra gần đảo nhân tạo ở Trường Sa) của Mỹ là bất hợp pháp, các phát ngôn viên nói trên vẫn duy trì sự mơ hồ về bản chất yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Bằng cách đó, họ tránh rơi vào bẫy của Mỹ thông qua các hoạt động bảo đảm “tự do hàng hải” để buộc các quan chức Trung Quốc đưa ra những yêu sách cụ thể không được luật pháp quốc tế công nhận.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Lục Khảng ngày 28/10 cũng tuyên bố: "Những gì mà Mỹ đã làm (ở Biển Đông) là vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển cũng như pháp luật liên quan của Trung Quốc”.
Về cáo buộc hành động của Mỹ vi phạm UNCLOS, Washington có thể nêu ra một loạt các câu hỏi sau đây: Những thẩm quyền mà chính phủ Trung Quốc tuyên bố trong “vùng biển cận kề” các đảo nhân tạo là gì? Liệu Trung Quốc có khẳng định về một vùng lãnh hải xung quanh Đá Xu Bi? Liệu Trung Quốc có khẳng định một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ở khu vực này trên Biển Đông? Nếu khẳng định, thì ranh giới của nó như thế nào và điều gì khiến Trung Quốc cáo buộc tàu chiến Mỹ vi phạm các qui định của UNCLOS liên quan đến các hoạt động quân sự trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)?
Mặc dù bất đồng về cách diễn giải Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), nhưng giới quan chức Trung Quốc đã cẩn thận tránh để cho đối thủ có chứng cứ cụ thể để thách thức yêu sách quá đáng và vô lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.