|
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
|
Tất cả 15 thành viên Hội đồng Bảo an đều tán thành nghị quyết này. Các nhà ngoại giao của Nga và Mỹ đã thảo luận cặn kẽ dự thảo nghị quyết suốt 2 tuần lễ. Đã có một số cuộc tiếp xúc cá nhân giữa Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry để giải quyết các vấn đề gây tranh cãi nhất. Kết quả là, hai bên đã tìm được cách diễn đạt nghị quyết về Syria mà các bên đều chấp nhận.
Ví dụ, trong văn kiện này trích dẫn Chương 7 của Hiến chương Liên Hợp Quốc cho phép sử dụng vũ lực trong trường hợp vi phạm nghị quyết. Nhưng, điều khoản này không đi vào hiệu lực một cách tự động.
|
Bộ trưởng Ngoại giao Lavrov: Nghị quyết về Syria không bao gồm Chương VII của Hiến chương Liên Hợp Quốc.
|
Bộ trưởng Lavrov tuyên bố: “Nghị quyết không bao gồm Chương VII của Hiến chương Liên Hợp Quốc và không cho phép áp dụng bất kỳ biện pháp bắt buộc một cách tự động. Văn kiện khẳng định các thỏa thuận trước đó của Nga và Mỹ tại Geneva về việc nếu bất cứ ai vi phạm các điều khoản của nó hoặc sử dụng vũ khí hóa học, thì điều đó sẽ trở thành chủ đề được xem xét cẩn thận tại phiên họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, và cơ quan này sẽ sẵn sàng hành động theo Chương VII của Hiến chương LHQ. Tất nhiên, các biện pháp đáp trả của Hội đồng Bảo an sẽ là tương xứng với mức độ nghiêm trọng của vi phạm nghị quyết và phải được chứng minh 100%”.
Không chỉ chính phủ Syria chịu trách nhiệm thực hiện nghị quyết. Theo yêu cầu của Hội đồng Bảo an LHQ, phe đối lập Syria cũng phải hợp tác với các chuyên gia quốc tế. Hơn nữa, tất cả các quốc gia hỗ trợ cho quân nổi dậy Syria cũng phải tuân thủ văn kiện này. Đại diện thường trực của Syria tại LHQ Bashar Jaafari nói: “Nghị quyết tái khẳng định rằng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trung thành với nguyên tắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Nghị quyết cũng yêu cầu tất cả các quốc gia không cung cấp sự trợ giúp nào cho tất cả các tổ chức phi chính phủ đang cố gắng sở hữu, sản xuất, vận chuyển hoặc sử dụng chất hóa học, vũ khí hạt nhân hoặc sinh học và các phương tiện vận chuyển các loại vũ khí này”.
Tuy nhiên, cũng như trước đây, các nước phương Tây cho rằng, Tổng thống Bashar al-Assad chịu trách nhiệm về vụ sử dụng vũ khí hóa học ở Syria. Vì thế, khi diễn đạt văn kiện này, họ nhấn mạnh một số nội dung nhất định.
|
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry: Trách nhiệm chính về việc thực hiện nghị quyết LHQ thuộc về chế độ Syria.
|
Theo lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, trách nhiệm chính về việc thực hiện nghị quyết này thuộc về chế độ Syria: “Hôm nay, sau khi thông qua nghị quyết mạnh, mang tính chất bắt buộc và tạo tiền lệ đòi hỏi chính quyền Syria phải chuyển vũ khí hóa học dưới sự kiểm soát quốc tế, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chỉ ra cho toàn thế giới thấy rằng, chính sách ngoại giao có thể là một công cụ rất mạnh. Các nhà ngoại giao có thể vô hiệu hóa thành công các loại vũ khí khủng khiếp nhất”.
Hội đồng Bảo an cũng đã tán thành gói biện pháp về giải trừ vũ khí hóa học Syria đã được thông qua trước đây trong Ban chấp hành của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) tại The Hague. Ngày1/10, các thanh tra viên của OPCW sẽ bắt đầu kiểm tra các kho vũ khí hóa học ở Syria cần được tiêu hủy xong trước giữa năm tới.
Các văn kiện đó mở đường đến Hội nghị Geneva-2. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết hội nghị quốc tế ở Geneva có thể tiến hành vào trung tuần tháng 11. Như dự kiến, tham gia hoạt động này ngoài đại diện chính quyền Damascus sẽ có cả các nhóm đối lập khác nhau.
Trong khi các nhà ngoại giao đang thảo luận khía cạnh chính trị của cuộc xung đột, cần phải chú ý đến vấn đề nhân đạo. Trong hai năm qua, nhân dân Syria phải chịu gánh nặng gấp đôi: do cuộc nội chiến và các biện pháp trừng phạt quốc tế. Kết quả là, những người vô tội đang chết dần, chết mòn.
Ngoại trưởng Anh William Hague đã đề xuất sáng kiến: để cộng đồng quốc tế cung cấp viện trợ nhân đạo cho Syria, Hội đồng Bảo an nên thông qua nghị quyết mới. Hy vọng rằng, sau khi đạt được sự nhất trí về vấn đề nhạy cảm như giải trừ vũ khí hóa học, Hội đồng Bảo an dễ có thể thông qua nghị quyết về khía cạnh nhân đạo.