Đó là nhận định chung của các quan chức Mỹ trong ngày 5/12, khi Quân đội Syria và các đồng minh đã giải phóng gần 2/3 Đông Aleppo và đẩy phiến quân ở đây vào tình thế vô vọng, chỉ còn cách hoặc đầu hàng hoặc bị tiêu diệt.
|
Xem ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang thắng Tổng thống Mỹ Barack Obama trong "ván bài Syria". Ảnh ghép: NortJersey.com |
Paul Pillar, cựu chuyên gia phân tích tình báo cao cấp của Mỹ, cho biết: “Sự sụp đổ của Đông Aleppo sẽ khiến cho Mỹ đối mặt với thực tế phũ phàng: Việc hỗ trợ phe đối lập ôn hòa trở thành chính phủ tương lai ở Syria là vô vọng”.
Theo chuyên gia phân tích Paul Pillar, thất bại ở Đông Aleppo sẽ khiến cho Tổng thống đắc cử Donald Trump ít có ảnh hưởng hơn đối với cuộc nội chiến Syria đã kéo dài hơn 5 năm.
Nga thắng đậm, Mỹ thua đau
Thất bại của phiến quân ở Đông Aleppo sẽ là thắng lợi lớn đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người sẽ kiểm soát hầu hết các thành phố lớn ở Syria và sườn phía Tây đông dân cư giáp với Địa Trung Hải.
Chiến thắng Aleppo cũng sẽ chứng tỏ Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thành công lớn trong việc vực dậy chế độ Assad, thông qua cuộc can thiệp quân sự tháng 9 năm 2015.
Ngày 5/12, phía Nga cho biết họ sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán với Mỹ về việc rút quân nổi dậy khỏi Đông Aleppo. Một quan chức Mỹ nói rằng Washington có thể sẽ nắm lấy cơ hội này để cứu mạng sống của quân nổi dậy “ôn hòa” ở Đông Aleppo.
Một quan chức Mỹ, yêu cầu giấu tên, nói với Reuters: "Ai thắng? Đó là Putin, Iran và Assad. Ai thua? Đó là Mỹ, Jordan (nơi CIA huấn luyện và vũ trang cho quân nổi dậy “ôn hòa”), đặc biệt là Ả-rập Xê-út và các quốc gia vùng Vịnh".
Nội chiến Syria sẽ còn kéo dài?
Một số quan chức Mỹ cay đắng nói về quyết định của Tổng thống Obama không can thiệp mạnh mẽ vào cuộc nội chiến Syria vốn đã cướp đi hơn 500.000 sinh mạng, buộc hàng triệu người rời bỏ nhà cửa và gây ra cuộc khủng hoảng người tị nạn ở các quốc gia láng giềng và châu Âu.
Họ cho rằng chính quyền của Tổng thống Obama đã không hỗ trợ đầy đủ cho phe nổi dậy “ôn hòa” để đạt được mục tiêu của Mỹ là buộc Damascus, Nga và Iran thương lượng thay thế chính quyền của Tổng thống Assad bằng một chính phủ đoàn kết dân tộc.
Thất bại phe đối lập “ôn hòa” ở Syria cũng xác nhận Nga là là một thế lực có ảnh hưởng lớn trong khu vực. Một quan chức Mỹ tham gia đàm phán chấm dứt chiến tranh ở Syria nói: "Suy cho cùng thì người Nga không muốn chấm dứt chiến tranh. Họ muốn giành chiến thắng (ở Syria)”.
Nhà phân tích Paul Pillar cho rằng khó có thể đạt được kết quả thông qua đàm phán và dự đoán: “Aleppo thất thủ, nhưng chiến tranh sẽ còn kéo dài”.
Ông Pillar và các quan chức Mỹ lập luận rằng số phiến quân thoát khỏi Aleppo sẽ tiếp tục chiến đấu, trong đó một số nhóm có thể gia nhập nhóm Jabhat al-Fateh Sham, trước đây gọi là Mặt trận al- Nusra bị Mỹ coi là một chi nhánh của mạng lưới khủng bố al Qaeda ở Syria.
Các quan chức Mỹ khác cảnh báo rằng xung đột ở Syria có thể leo thang vì việc Mỹ giảm hỗ trợ cho đối thủ Assad có thể thúc đẩy Ả-rập Xê-út, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường viện trợ quân sự cho các nhóm nổi dậy.
Ả-rập Xê-út có thể rót vũ khí gây chết nhiều người hơn cho các phe phái đối lập, điều này làm tăng khả năng số vũ khí hiện đại này có thể được sử dụng chống lại các mục tiêu phương Tây.
Một quan chức Mỹ nói: "Chúng tôi đã làm khá tốt trong việc không để cho các loại vũ khí hiện đại rơi vào tay những kẻ khủng bố. Nhưng hiện không còn lý do nào để buộc Ả-rập Xê-út cũng làm như chúng tôi”.
Trong khi đó, sự sụp đổ của Đông Aleppo sẽ khiến cho Iran có ảnh hưởng gia tăng trong khu vực. Bằng cách bảo vệ chế độ của Tổng thống Assad, Iran cũng bảo vệ được kênh cung cấp tên lửa và các loại vũ khí khác cho Hezbollah sử dụng chống lại Israel.