Đó là nhận định của nhà phân tích Ruslan Pukhov - giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (CAST), thành viên của Hội đồng công chúng trực thuộc Bộ Quốc phòng Nga – trong bài viết đăng trên tạp chí “Nước Nga trong các vấn đề toàn cầu” (RIGA).
|
Chiến đấu cơ Su-25 của Nga tấn công các mục tiêu mặt đất.
|
Lý do Nga can thiệp quân sự
Theo nhà phân tích Ruslan Pukhov, Nga can thiệp quân sự vào Syria với nhiều lý do phức tạp. Một trong những lý do là lo ngại về những tổn thất của quân đội Syria trong mùa hè 2015. Ban lãnh đạo Nga cho rằng sự thảm bại của chính phủ Syria đương quyền sẽ dẫn đến các vụ thảm sát dân tộc, giáo phái thiểu số và đưa nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm Hồi giáo Sunni cực đoan khác lên nắm quyền.
Tất cả các nhóm này đều thù địch với Nga và nhiều chiến binh thánh chiến của các nhóm cực đoan này lại đến từ các nước thuộc Liên Xô cũ. Đám chiến binh này đang “thử lửa” ở Syria để tiếp tục cuộc thánh chiến ở Trung Á và Caucasus. Phiến quân IS cũng đã hoạt động ráo riết hơn ở Afghanistan, can thiệp vào Phong trào Hồi giáo Uzbekistan. Nhóm Nhà nước Hồi giáo IS cũng đã chứng tỏ khả năng xâm nhập vào các cơ quan thực thi pháp luật ở Trung Á và trường hợp của Gulmurod Khalimov, một chỉ huy cảnh sát Tajik cấp cao chạy sang hàng ngũ IS, là một điển hình. Sự sụp đổ của chế độ Assad và chiến thắng của IS cùng các đồng minh ý thức hệ khác có thể làm suy yếu vị thế của Moscow ở Trung Đông và do đó đe dọa trực tiếp an ninh quốc gia Nga.
Việc phương Tây mưu toan thiết lập một vùng cấm bay trên không phận Syria để hỗ trợ cho lực lượng đối lập càng khiến cho Nga cảm thấy bất an. Kinh nghiệm Libya đã cho thấy rằng việc Mỹ và các đồng minh thiết lập “vùng cấm bay” vì lý do nhân đạo đã biến thành chiến dịch yểm trợ trên không cho các lực lượng nổi dậy.
Mục tiêu của chiến dịch quân sự Nga ở Syria
Chiến dịch quân sự của Nga tại Syria, được tiến hành trong sự phối hợp chặt chẽ với Iran, có những mục tiêu sau:
• Để loại bỏ mối đe dọa can thiệp quân sự của phương Tây và các đồng minh. Mục tiêu này đã đạt được thông qua việc triển khai các lực lượng và phát động chiến dịch không kích của Nga ở Syria.
• Để ổn định và củng cố chính quyền Assad bằng cách loại bỏ các vị trí do phe đối lập kiểm soát đe dọa hậu phương của quân đội Syria;
• Gây áp lực quân sự hạn chế để buộc IS tập trung nguồn lực tài chính và nhân sự vào lĩnh vực phòng thủ và do đó giảm quy mô hoạt động ở Trung Á;
• Tiêu diệt tối đa phiến quân IS đến các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS). Đây là nhóm phiến quân IS thiện chiến nhất, trực tiếp đe dọa an ninh của Nga.
Việc đạt được những mục tiêu này sẽ loại bỏ các mối đe dọa đối với chính phủ Syria trong tương lai gần. Nó cũng tạo ra môi trường cho các cuộc đàm phán về việc chấm dứt cuộc xung đột quân sự, tái thiết Syria sau chiến tranh và phối hợp hành động để đánh tan IS. Các cuộc đàm phán có thể thảo luận về kịch bản liên bang ở Syria thời “hậu Assad”.
Nga và Iran có vị thế đàm phán rất mạnh mẽ vì có lực lượng quân sự tiến hành các hoạt động tấn công IS và al-Qaeda ở Syria. Trong trường hợp chiến dịch không kích phiến quân thành công, Moscow sẽ đạt được các mục tiêu quân sự chính là đảm bảo có một chế độ thân thiện ở Syria thời hậu chiến và giảm mối đe dọa của các phần tử thánh chiến Hồi giáo gốc Sunni đối với Nga.
Mục tiêu thứ hai là mang lại cơ hội cải thiện quan hệ với Mỹ. Việc nối lại liên lạc Nga-Mỹ cấp cao tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cũng như sự hợp tác giữa quân đội Nga và tình báo Mỹ là bằng chứng cho thấy mục tiêu này có thể đạt được.
Đối thủ nguy hiểm của các lực lượng ủng hộ Tổng thống Assad là các “ốc đảo phiến quân Hồi giáo” nằm sâu trong các vùng lãnh thổ do chính phủ kiểm soát, chủ yếu ở Homs và Rastan. Chính các “ốc đảo” này đã thu hút và trói buộc một lực lượng đáng kể Quân đội Syria. Các nhóm phiến quân ở đây là một bộ phận của cái gọi là Đạo quân chinh phục (Jaish al-Fatah), một liên minh lỏng lẻo giữa các nhóm phiến quân vũ trang đang đánh nhau với lực lượng của Tổng thống al-Assad và nhận được sự hỗ trợ của các chế độ quân chủ Sunni ở Vùng Vịnh Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong số này, Mặt trận al-Nusra (Jabhat al-Nusra), chi nhánh ở Syria của al-Qaeda, đóng vai trò chủ lực.
Mục tiêu ưu tiên của quân đội Syria là xóa sổ các “ốc đảo phiến quân Hồi giáo” đang quấy rối hậu phương và dường như đây cũng là mục tiêu của một số cuộc không kích của Nga. Nếu loại bỏ được các “ốc đảo chống Assad” ở hậu phương, nhiệm vụ tiếp theo của Quân đội Syria là “dọn dẹp” khu vực Aleppo, bình định miền nam Syria và tái chiếm thành cổ Palmyra từ tay phiến quân IS. Nếu đạt được các mục tiêu này, vị thế quân sự-chính trị cũng như khả năng tồn tại của chế độ Assad sẽ được cải thiện đáng kể.
Những rủi ro có thể xảy ra
Mỹ cùng các nước đồng minh đã gửi vũ khí cho phe đối lập "ôn hòa” và sự can thiệp quân sự của Nga đang làm tăng tốc quá trình này. Lực lượng đối lập có thể phát động một cuộc tấn công quy mô lớn ở nhiều khu vực trọng yếu trong tháng 12/2015 hoặc tháng 1/2016. Đẩy lùi các cuộc tấn công này sẽ là một nhiệm vụ rất quan trọng đối với quân đội Syria và không quân Nga. Chiến dịch không kích của Nga có thể là một nhân tố chính buộc các lực lượng đối lập phải trì hoãn các cuộc tấn công qui mô lớn cho đến tháng 1/2016. Phe đối lập có thể lợi dụng thời kỳ có bão cát, kéo dài từ tháng Hai đến tháng Tư hàng năm.
Trong vài tháng tới, khi những nỗ lực của Nga được nhắm vào các nhóm phiến quân Hồi giáo trong “Đạo quân chinh phục” và các “ốc đảo phiến quân Hồi giáo”, quan hệ giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ, các chế độ quân chủ vùng Vịnh và Mỹ chắc chắn sẽ xấu đi. Trong bối cảnh này, kịch bản tồi tệ nhất có thể đối với Nga sẽ là việc các lực lượng al-Assad không thể cải thiện đáng kể tình hình. Điều này có thể làm tăng thêm căng thẳng giữa Nga và phương Tây, khuyến khích Mỹ và các đồng minh thiết lập “vùng cấm bay” trong không phận Syria để bảo vệ phe đối lập và thổi bùng căng thẳng quân sự Nga-NATO. Có thể nói sự thành công hay thất bại của đợt phản công của quân đội Syria sẽ quyết định sự thành bại của chiến lược Nga ở Syria.
Khi đánh giá các hoạt động quân sự của Nga tại Syria, người ta nên so sánh giữa “rủi ro của hành động” với “rủi ro của việc không chịu hành động” và cả hai loại rủi ro này đều rất cao.
Không hành động rất có thể sẽ dẫn đến sự thất bại của chế độ Assad, việc tàn sát qui mô lớn những người ủng hộ ông và cuộc chiến tranh giành quyền cai trị giữa IS và “Đạo quân chinh phục”. Có kết cấu vững chắc và được tổ chức tốt hơn, IS có nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng. Mỹ không thể làm gì nhiều để can thiệp do thiếu lực lượng mặt đất. Đối với các chế độ quân chủ vùng Vịnh, cuộc chiến ở Yemen đã chỉ ra rằng khả năng quân sự của các chế độ này là rất thấp, bất kể số lượng các thiết bị quân sự tiên tiến mà họ đã mua. Kết quả là, đại dịch IS sẽ tiếp tục lây lan trên toàn thế giới với những hậu quả không thể nào tưởng tượng được.