Theo nhà phân tích người Đức Ingo Mannteufel làm việc cho Deutsche Welle (DW), Nga-Mỹ “chẳng thể chung đường” ở Trung Đông và các cuộc không kích “sẽ chỉ làm cho cuộc xung đột Syria trở nên bạo lực hơn”.
|
Tổng thống Mỹ Barack Obama tìm cách "rút lui có trật tự", trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tránh bị "sa lầy" ở Trung Đông.
|
Các tin tức đến gần như đồng thời: Nga-Mỹ nhất trí thông tin liên lạc quân sự trực tiếp để tránh “sự cố” trong không phận Syria và Tổng thống Vladimir Putin chào đón Tổng thống Bashar al-Assad ở Moscow hôm 20/10.
Liệu đây có phải là sự khởi đầu cho một liên minh Nga-Mỹ ở Syria? Điều đó có dẫn đến một giải pháp cho cuộc chiến tranh Syria và cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Châu Âu?
Duy trì quyền lực và lợi ích quốc gia
Cả Mỹ lẫn Nga đều không quan tâm nhiều đến việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng tị nạn ở Châu Âu. Cả hai đang quan tâm đến việc duy trì quyền lực chính trị và lợi ích quốc gia ở Trung Đông.
Điện Kremlin muốn sử dụng can thiệp quân sự ở Syria để chuyển hướng sự chú ý trong nước khỏi tình trạng ảm đạm của nền kinh tế Nga và cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) quả là một nội dung tuyên truyền lý tưởng.
Về chính trị, Nga quan tâm đến việc mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông và điện Kremlin cam kết duy trì quyền lực của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Việc ông Assad sử dụng chuyến đi đầu tiên ra nước ngoài kể từ khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu vào năm 2011 để thăm Tổng thống Nga Vladimir Putin là một dấu hiệu rõ ràng về chính sách của Điện Kremlin. Sẽ là ngây thơ, khi nghĩ rằng bằng cách nào đó có thể thuyết phục Tổng thống Putin bỏ rơi Tổng thống Assad.
Tuy nhiên, chính sách Trung Đông của Nga không chỉ dựa vào chế độ Assad. Trên thực tế, Nga đã gián tiếp cùng với liên minh Shiite trong khu vực (Iran, Iraq, chính phủ Syria và phong trào Hezbollah ở Lebanon) chống lại các cường quốc Sunni - đặc biệt là các nước vùng Vịnh Ba Tư do người Hồi giáo Sunni chi phối.
Những ngộ nhận về chính sách của Mỹ trong khu vực
Trong khi đó, một số nhà phân tích cũng nhiều lần ngộ nhận về chính sách của Mỹ trong khu vực.
Theo xu hướng của nhiều thập kỷ qua, người ta thường ngộ nhận rằng Mỹ vẫn còn muốn can thiệp quân sự mạnh vào khu vực Trung Đông.
Sau các cuộc can thiệp quân sự thất bại ở Afghanistan, Iraq và Libya, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã kết luận cần phải sửa đổi chính sách Trung Đông để tập trung vào lợi ích quốc gia chính. Cụ thể là an ninh của Israel và trên tất cả là ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Chính vì vậy mà Mỹ nỗ lực tiến tới việc đạt được một thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran trong mùa hè vừa qua.
Không giống như trong quá khứ, các quốc gia nhiều dầu lửa như Ả-rập Xê-út và Iraq không còn có ý nghĩa sống còn đối với Mỹ. Nhờ cuộc cách mạng dầu khí đá phiến trong mấy năm qua, Mỹ đã đạt độc lập năng lượng lần đầu tiên kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng dầu lửa hồi những năm 1970. Đó chính là lý do mà nước Mỹ của Tổng thống Obama “rút lui” khỏi Trung Đông, chứ không phải do sự rụt rè hay yếu kém mà các đối thủ thường cáo buộc.
Hiện thời, chưa có lý do nào ủng hộ việc sớm hình thành một liên minh Mỹ-Nga chống IS ở Syria. Tại sao Mỹ lại phải làm cái điều rốt cuộc sẽ có lợi cho Nga?
Có nhiều khả năng Mỹ sẽ cam kết nhiều hơn đôi chút trong vấn đề Syria và tiếp tục “rút lui có trật tự” khỏi Trung Đông, trong khi Nga rơi vào một chiến tranh giáo phái Sunni-Shiite lan rộng khắp khu vực.
Về phần mình, Nga cũng phải tìm cách tránh lặp lại những “bài học đau đớn” mà Mỹ đã phải trả giá trong khu vực. Và điều đó cũng có nghĩa rằng cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Châu Âu còn lâu mới chấm dứt, khi “cuộc chiến ủy thác” ở Syria ngày càng leo thang và trở nên ác liệt hơn nữa.