|
Thông tin trên được trích từ một cuộc điều tra kéo dài 6 tháng của Reuters.
|
Setad, tổ chức mà ít người biết tới, đóng vai trò then chốt trong đế chế đó. Hiện nay, cơ quan này nắm giữ cổ phần ở hầu hết các ngành như tài chính, dầu khí, viễn thông, sản xuất thuốc tránh thai hay thậm chí chăn nuôi đà điểu.
Theo tài liệu điều tra của Reuters, Setad tích lũy một danh mục đầu tư khổng lồ trong khối ngành bất động sản thông qua các phán quyết hợp pháp của tòa án. Nhờ nắm giữ thế độc tôn khi tiếp nhận phán quyết của tòa, Setad đã chuyển số tài sản đó về tay vị lãnh tụ, hoặc bán tài sản bị tịch thu trong các cuộc đấu giá, và hưởng lợi nhuận chênh lệch. Các phóng viên Reuters xác định rằng, chỉ riêng trong tháng 5, Setad đã đấu giá 300 tài sản trị giá hàng trăm triệu USD.
Một sắc lệnh (do vị lãnh tụ tinh thần đầu tiên của Iran là Ruhollah Khomeini ký ngay trước khi ông qua đời năm 1989) quyết định thành lập Setad. Qua đó, mục tiêu ban đầu của tổ chức này là để quản lý và bán tài sản bị bỏ hoang trong suốt những năm loạn lạc sau cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979. Cũng theo tiết lộ của một trong những người đồng sáng lập, Setad ra đời để giúp đỡ người nghèo và các cựu binh, và tồn tại trong khoảng thời gian 2 năm.
|
Setad làm giàu bằng cách nắm giữ tài sản của những người dân thường. Trong ảnh, người dân đang tham gia buổi cầu nguyện cùng lãnh tụ.
|
Tuy nhiên, trái với dự dịnh đó, trong suốt 25 năm qua, Setad đã trở thành một đế chế kinh doanh hùng mạnh khi nắm giữ hàng loạt bất động sản, cổ phần trong các công ty hay các tài sản khác. Mặc dù Setad cũng điều hành một quỹ từ thiện, nhưng không ai biết rõ nó chi bao nhiêu tiền để thực hiện các hoạt động thiện nguyện.
Dưới sự cai quản của lãnh tụ Khamenei, tổ chức này đã mở rộng phạm vi hoạt động của mình bằng cách mua cổ phần ở hàng chục công ty tư nhân hay nhà nước ở Iran. Tất cả việc đó nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở quốc gia dầu mỏ này.
Thêm vào đó, trong nhiều năm qua, các nhà lãnh đạo tối cao, thẩm phán hay quốc hội cũng ra một loạt sắc lệnh hành chính, quyết định để củng cố địa vị của tổ chức này. “Không một tổ chức giám sát nào có thể chất vấn về các tài sản của Setad”, luật sư người Iran Naghi Mahmoudi đang sinh sống ở Đức chia sẻ.
Còn nhớ, hồi tháng 6, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt lên Setad với lí do “tổ chức này là một mạng lưới khổng lồ với mục tiêu che giấu tài sản của các lãnh đạo Iran”.
Phản ứng trước thông tin này của Reuters, văn phòng Tổng thống Iran và Bộ ngoại giao nước này không hề đưa ra bất cứ lời bình luận nào. Còn Đại sứ quán Iran ở UAE chỉ lên tiếng rằng: “Thông tin mà Reuters công bố không hề có cơ sở để xác thực”.
Trong bức thư điện tử gửi cho các cơ quan truyền thông, Giám đốc phụ trách quan hệ công chúng của Setad là Hamid Vaezi cho biết: “Thông tin trên là xa rời thực tế và không chính xác”. Ngoài ra, ông cũng cho biết thêm rằng: “Tổ chức Setad đang làm các thủ tục cần thiết để đối phó các lệnh trừng phạt mà Mỹ ban hành”.
Tổng số tài sản của Setad vẫn đang là một dấu hỏi lớn đối với nhiều người. Thông qua sự phân tích các báo cáo về Setad, dữ liệu từ trên Sàn giao dịch chứng khoán Tehran và thông tin từ Bộ Tài chính Mỹ..., số tiền này hiện vào khoảng 95 tỷ USD, trong đó 52 tỷ USD nằm ở bất động sản, số còn lại ở các cổ phần.