Theo các quan chức địa phương, ở Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines gần đảo Luzon đã xuất hiện tàu cá Đài Loan và Việt Nam. Các quan chức này nói thêm có ít nhất 5 tàu cá Việt Nam thường xuyên đánh bắt ở vùng biển cách thị trấn Masinlok của Philippines khoảng 50 km.
|
Biển Đông không yên bình trong tương lai. Ảnh: Sputnik |
Theo ngư dân Philippines, các tàu Đài Loan sử dụng phương pháp đánh bắt cá bất hợp pháp như dùng đèn thu hút cá. Cách đây hai năm, Philippines đã bắt giữ một tàu Đài Loan gần các đảo Batanes nằm giữa Đài Loan và Luzon. Năm 2013 cũng tại đây, Cảnh sát biển Philippines nổ súng vào một tàu Đài Loan làm chết viên thuyền trưởng.
Cảnh sát biển Philippines tuyên bố hoạt động đánh bắt cá của các Đài Loan và Việt Nam là một trong những nguyên nhân làm giảm tới 50% nguồn cá ở khu vực này. Đây là vấn đề rất nhạy cảm với Masinloka, nơi có 3 nghìn trong số 49 nghìn người dân tham gia nghề cá. Hiệp hội cá của tỉnh đã gửi thư yêu cầu Tổng thống Philippines khôi phục chương trình tuần tra biển do Mỹ tài trợ, một chương trình mà ông Duterte đã ra lệnh đình chỉ do quan hệ Philippines-Mỹ xấu đi. Trong khi đó, quan hệ Philippines -Trung Quốc được nhanh chóng cải thiện. Năm 2012, việc Bắc Kinh nắm kiểm soát khu vực rạn san hô Scarborough — khu vực đánh bắt cá truyền thống của người Philippines đã gây nên làn sóng phản đối mạnh mẽ tại Manila, rắc rối kết thúc tại cấp tòa án quốc tế. Nhưng sau khi Tổng thống Duterte tái lập quan hệ với Bắc Kinh, các tàu Trung Quốc không còn gây phiền phức cho tàu cá Philippines ở khu vực này.
Về chuyện này, chuyên gia Nga Dmitry Mosyakov, phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Australia và Châu Đại Dương thuộc Viện Nghiên cứu phương Đông, nhận định:
"Vấn đề ở đây không phải là mối đe dọa cho nguồn cá gần bờ biển Philippines. Những chiếc thuyền cá nhỏ của Việt Nam khó thể gây ra hại đáng kể. Đây là vấn đề sự hiện diện trong khu vực. Tranh chấp quần đảo Trường Sa tồn tại giữa Việt Nam và Philippines từ lâu. Hà Nội coi những tham vọng của Manila là bất hợp pháp. Mâu thuẫn đã lùi lại phía sau khi hai nước cùng phản đối mưu đồ bành trướng của Trung Quốc, nhưng lại nổi lên khi Manila xích gần với Bắc Kinh. Ở đây tôi nhìn nhận những yếu tố trò chơi lớn của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á. Trò chơi này ít lộ liễu nhưng lại khá hiệu quả. Đã từ lâu, Trung Quốc tìm cách chia rẽ ASEAN, chủ trương tìm giải pháp cho các vấn đề chỉ trên cơ sở song phương. Kết quả như chúng ta thấy, các bước xích lại với Bắc Kinh của Tổng thống Philippines đã giảm nhẹ sự kiểm soát của Trung Quốc với tàu cá Philippines tại khu vực biển tranh chấp. Đây là bài học cho tất cả các quốc gia Đông Nam Á”.