Nếu chiến dịch này thành công thì đây có thể xem là thắng lợi lớn nhất của quân đội Syria kể từ khi cuộc nội chiến tại quốc gia này bùng phát năm 2011.
|
Syria tan hoang vì nội chiến và không kích. (ảnh: UPI) |
Việc quân đội Syria mở chiến dịch trên bộ nhằm vào tỉnh Aleppo có thể xem là một bước đi lớn, bởi Aleppo là một trong những tỉnh chiến lược lớn nhất nước và chịu sự kiểm soát của nhiều lực lượng: Chính phủ Syria ở khu vực phía Tây, một loạt nhóm nổi dậy chống chính quyền ở khu vực phía Đông và nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại các khu vực nông thôn gần thành phố.
Theo các quan chức Syria, những bước chuẩn bị cần thiết cho một trận đánh lớn đã sẵn sàng. Quân đội Syria đã huy động được một lượng quân sự hùng hậu, cùng với sự hỗ trợ của phong trào vũ trang Hezbolah của Lebanon và hàng nghìn binh sĩ Iran đã được điều động tới khu vực trong những ngày qua và đặc biệt là các chiến dịch không kích của Nga.
Kể từ khi Nga mở các chiến dịch không kích hỗ trợ quân đội Syria và Iran tăng cường sự ủng hộ trực tiếp trên mặt đất, quân đội Syria như được tiếp thêm sức mạnh và liên tiếp giành được những thắng lợi ban đầu. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với cuộc nội chiến tại Syria có cơ hội chấm dứt. Bởi trong khi Nga và Iran nỗ lực ổn định chính quyền hợp pháp tại Syria, thì Mỹ và các đồng minh trong khu vực, như Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Saudi Arabia cũng tăng cường sự ủng hộ cho phe đối lập.
Thời báo New York, Mỹ số ra mới đây đã đăng bài báo có nhan đề “Liệu có xảy ra một cuộc chiến ủy nhiệm tại Syria?”. Theo bài báo, kể từ khi Nga bắt đầu không kích Syria, phe đối lập tại nước này cũng khẳng định lần đầu tiên nhận được một lượng lớn tên lửa chống tăng của Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng, sự ủng hộ của Nga đối với chính quyền Tổng thống Syria al-Assad và những gì phe đối lập nhận được từ Mỹ và các đồng minh đã tạo cho các bên tham chiến tại Syria một sức bật mới. Tham vọng được nâng lên và những lập trường chính trị cũng càng trở nên cứng rắn, khiến cho triển vọng về một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng trở nên khó khăn.
Trước đó hôm 9/10, Chính phủ Mỹ đã thông báo thay đổi chiến lược tại Syria, theo đó nước này sẽ chấm dứt chương trình tài trợ lên tới 500 triệu USD nhằm huấn luyện cho các lực lượng đối lập ôn hòa tại Syria và lần đầu tiên thừa nhận sự thất bại trong chương trình này. Cũng từ thời điểm này, Bộ Quốc phòng Mỹ bắt đầu mở rộng việc cung cấp đạn dược và thậm chí là cả vũ khí hạng nhẹ cho phe đối lập. Song Thời báo New York lại đánh giá kế hoạch mới này của Mỹ là “bất khả thi”.
Bởi trong khi Mỹ và Nga mỗi nước đều tiến hành các chiến dịch không kích riêng của mình, thì nguy cơ đụng độ trên không ngày càng lớn. Phía Nga mới đây đã thể hiện mong muốn đạt được một “sự phân chia địa bàn” rõ ràng, tức là Mỹ sẽ hoạt động tại Iraq, quốc gia đã yêu cầu sự hỗ trợ của Mỹ và Nga là tại Syria, theo yêu cầu của nước sở tại. Theo Nga, những chiến dịch này sẽ phù hợp với luật pháp quốc tế hơn, bởi chính quyền Syria chưa bao giờ yêu cầu Mỹ can thiệp và hơn hết là sẽ tạo cơ hội cho một tiến trình chính trị tại Syria.
Ngoại trưởng Nga Lavrov nói: “Chúng tôi chỉ can thiệp vào Syria sau khi nhận được yêu cầu của các nhà lãnh đạo Syria nhằm tăng cường hiệu quả cuộc chiến chống khủng bố. Song điều này không đồng nghĩa với việc bỏ qua tầm quan trọng của một tiến trình chính trị. Ngược lại chúng tôi luôn ủng hộ và đánh giá cao nỗ lực của Liên Hợp Quốc nhằm thúc đẩy việc tìm kiếm một giải pháp chính trị tại Syria”.
Bộ Quốc phòng Nga thông báo giới chức quân đội Nga và Mỹ sẽ tiến hành một cuộc họp qua cầu truyền hình trong ngày hôm nay để thảo luận về các chuyến bay trong không phận Syria. Và dư luận quốc tế đang chờ đợi Mỹ và Nga sẽ làm thế nào để tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này