Cựu quan chức CIA Paul R. Pillar cho rằng mặc dù sự hiện diện quân sự Nga ở Syria chỉ là một sự tiếp nối của mối quan hệ lâu năm Moscow-Damascus, nhưng những động thái quân sự trong cuộc chiến chống IS mới đây lại là một sự thay đổi đáng để Mỹ phải suy nghĩ lại về cuộc xung đột Syria.
|
Nhà phân tích Paul R. Pillar (bên phải) có 28 năm làm việc cho CIA.
|
Sự cần thiết phải suy nghĩ lại được phản ánh trên thực tế là tất cả mọi người, kể cả chính quyền Obama, dường như nhận ra rằng quỹ đạo hiện tại của cuộc chiến này là bất lợi.
Ba loại rắc rối chính
Việc tiếp tục chiến tranh là nguồn gốc của hầu hết những rắc rối phát sinh.
Có ít nhất ba loại rắc rối chính. Một là sự lây lan của bất ổn và giao tranh ra bên ngoài biên giới Syria. Cuộc nội chiến Syria làm gia tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh mới giữa Israel và Lebanon/ Hezbollah vì sự can dự đáng kể của Hezbollah trong cuộc chiến Syria và phản ứng của Israel đối với hoạt động của Hezbollah ở Syria.
Hai là sự gia tăng bạo lực cực đoan mà nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo là một ví dụ điển hình. Sự bùng nổ của cuộc chiến Syria đã kích thích nhóm cực đoan “Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria” (ISIS) mở rộng hoạt động ra bên ngoài nơi khai sinh Iraq. Điều này không có gì ngạc nhiên vì tình trạng hỗn loạn và “trống rỗng quyền lực” luôn là những điều kiện thuận lợi để cho các tổ chức khủng bố, cực đoan sinh sôi nảy nở.
Một vấn đề thứ ba đã trở thành khủng hoảng ở Châu Âu là sự đột biến của dòng người di cư chạy trốn chiến tranh sang phương Tây.
Ba loại tư duy lỗi thời
Để giải quyết triệt để cuộc xung đột Syria, cần phải loại bỏ ba loại tư duy vô tác dụng lỗi thời vốn đã trở thành định kiến trong các cuộc tranh luận về Syria.
Định kiến thứ nhất đã biến cụm từ cửa miệng "Assad phải ra đi” thành châm ngôn. Chế độ Assad chắc chắn có nhiều điểm nhưng không được phương Tây ưa thích và thậm chí cũng độc tài như một số chế độ khác trên thế giới, nhưng “vấn đề thích hay không thích” không phải là cơ sở để leo thang một cuộc nội chiến khiến cho hàng trăm nghìn người bị thiệt mạng.
Cũng nên lưu ý rằng Israel đã được hưởng nhiều thập kỷ “ổn định tương đối” ở Cao nguyên Golan, một phần cũng nhờ sự tồn tại của chế độ Assad. Chính cuộc chiến ở Syria và tình trạng mất kiểm soát của chế độ Assad đối với nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn (trong đó có Cao nguyên Golan) đã gây ra rất nhiều vấn đề an ninh phát sinh đối với Israel.
Sự tồn tại của định kiến “Assad phải ra đi” bắt nguồn từ những quan niệm, đặc biệt là tư duy can thiệp của các thế lực tân bảo thủ, và “dân chủ và tự do hóa” một chiều. Lối tư duy này có thể khuấy rối tình hình.
Định kiến thứ hai là “bất cứ điều gì liên quan đến Iran đều là xấu”, trong khi tồn tại liên minh giữa Damascus và Tehran. Trên thực tế, những định kiến trên không phải là cơ sở thực tế cho việc xây dựng chính sách đối với cuộc chiến Syria.
Có lẽ một trong những diễn biến gần đây là một số nghị sĩ Quốc hội Mỹ đã nhận ra rằng sự sụp đổ của chế độ Assad sẽ để lại một “khoảng trống chính trị và hành chính” khó có thể lấp đầy. Một sự thừa nhận như vậy có lẽ đã khiến cho chính quyền Obama thay đổi lập trường. Mặc dù vẫn bám lấy định kiến “Assad phải ra đi”, nhưng chính quyền Obama không đòi ông này ra đi ngay lập tức như trước đây mà hạ thấp đòi hỏi xuống mức “thời điểm ra đi của Tổng thống Assad” được xác định thông qua thương lượng.
Một định kiến (hoặc ảo tưởng) nữa là niềm tin không có cơ sở trong việc phát triển một phe đối lập "ôn hòa” đủ sức đánh bại cả chế độ Assad lẫn phiến quân IS. Bản thân niềm tin này đã có mâu thuẫn về mục tiêu. Hơn thế nữa, làm thế nào mà người ta có thể tạo ra phe đối lập “ôn hòa”, khi trang bị vũ khí cho lực lượng này để lao vào cuộc chiến đẫm máu “một mất, một còn” ở Syria?
Nga chia sẻ gánh nặng chống IS với Mỹ
Về những động thái mới nhất của Nga ở Syria, đã tồn tại một thứ định kiến có xu hướng coi mọi hoạt động của Nga nhằm “mở rộng ảnh hưởng ở nước ngoài” là đáng bị lên án và đáp trả. Xu hướng này đã bắt rễ sâu trong thói quen tư duy chiến tranh lạnh cũ và đã làm rối cách nhìn nhận về nhiều vấn đề khác liên quan đến Nga, trong đó có vấn đề Châu Âu.
Hiện có nhiều đồn đoán về động cơ của Tổng thống Putin đằng sau những động thái mới nhất của Nga ở Syria. Tất nhiên, không phải tất các mục tiêu của Nga đều trùng hợp với lợi ích của Mỹ, nhưng Hoa Kỳ cần phải rộng mở đối với các lập trường của Nga để cùng nhau giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.
Việc tăng cường can dự vào Syria đồng nghĩa với việc Nga sẽ phải tốn phí nhiều hơn về người và của trong cuộc chiến chống phiến quân IS và các lực lượng thánh chiến Hồi giáo cực đoan. Xét theo khía cạnh này, Nga đang chia sẻ gánh nặng với Mỹ mặc dù mục tiêu của Nga chắc chắn không phải hoàn toàn là nhằm chống IS. Có một điều chắc chắn là Nga cũng lo lắng về sự bành trướng của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo không kém gì Mỹ.
Một điều có ý nghĩa nữa là việc ủng hộ nhiều hơn cho chế độ Assad có thể mang lại đòn bẩy lớn hơn cho Nga đối với chế độ này, trong bất kỳ động thái tiến tới hòa bình nào.
Nói tóm lại, các động thái của Nga cũng phù hợp với sự thay đổi chính sách của Mỹ đối với Syria: từ chỗ chỉ không kích không mấy kết quả sang các chiến dịch quân sự đặc biệt trên mặt đất và chú trọng hơn về ngoại giao đa phương nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria. Chính vì vậy mà Mỹ cần lôi kéo Nga tham gia sâu rộng vào những nỗ lực nói trên.
Cuộc đàm phán giữa các bộ trưởng quốc phòng Mỹ-Nga nhằm tháo ngòi xung đột Syria là tốt, nhưng đàm phán giữa các ngoại trưởng sẽ còn quan trọng hơn. Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-út cần tham gia quá trình đàm phán.
Mặc dù triển vọng cho một giải pháp chính trị của cuộc chiến tranh Syria vẫn còn xa vời, nhưng việc khám phá mọi cơ hội để giảm căng thẳng hiện nay ở Syria còn hơn là “đổ thêm dầu vào lửa”.