Chuyên gia Mỹ: Lệnh trừng phạt khó có hiệu quả với Nga

Google News

(Kiến Thức) - Một chuyên gia Mỹ nhận định, Washington lo ngại vì Moscow hồi sinh và các lệnh trừng phạt khó có hiệu quả với người dân Nga.

George Friedman – người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Công ty Dự báo chiến lược STRATFOR nhận định:” Mỹ lo ngại nước Nga đang hồi sinh, điều này nhắc nhớ đến Chiến tranh Lạnh.”. Ông cũng tin rằng Mỹ đang can thiệp vào Ukraine để trả đũa cho việc Nga qua mặt Obama trong vụ Syria.
Ông Friedman nói rằng Mỹ cố gắng nằm quyền kiểm soát trên toàn thế giới trong vòng hơn một thế kỷ qua bằng cách để mắt tới tất cả các “đối thủ tiềm năng”. Đối với Mỹ, bất cứ một thế lực đang lên nào ở châu Âu cũng có thể là một mối đe dọa, mặc dù Chiến tranh Lạnh đã kết thúc nhưng Washington vẫn còn rất nhạy cảm đối với sự trỗi dậy của “Gấu Nga”.
Chuyên gia George Friedman. 
Ông nhận định trong một bài viết trên trang web của STRATFOR:”Hoa Kỳ đã nhúng tay vào Thế chiến thứ I hồi năm 1917 để ngăn chặn việc Đức lên nắm quyền và việc này lại tái diễn vào Thế chiến thứ II. Chiến lược này của Mỹ được giữ vững trong cả một thế kỷ.”
Trong thời điểm hiện tại, Mỹ đang đưa Nga vào tầm ngắm.
Thứ nhất, Washington đang đề cao cảnh giác với việc Moscow giành lại quyền kiểm soát trong khu vực. Trong suốt cuộc khủng hoảng Ukraine, Mỹ cáo buộc Nga là “kẻ xâm lược”. Trái lại với cáo buộc trên, người Nga luôn cảm thấy rằng mình chỉ đang phòng vệ chứ không hề tấn công. 
Ông Friedman nói: “Nếu Nga thật sự đang muốn tái khẳng định quyền lực của mình trong khu vực thì chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Nga có thừa tiềm năng về quân đội và quyền lực chính trị để gây ảnh hưởng đến châu Âu. Vì vậy việc cố gắng khẳng định quyền lực ở Ukraine của Mỹ cũng như một số nước châu Âu khác cũng không phải là không hợp lý.”
Thứ hai, sự hiện diện của chính quyền Mỹ tại Ukraine cũng được xem là một hành vi trừng phạt đối với Nga vì đã dám “làm xấu mặt” tổng thống Obama trong vụ Syria. 
Ông Friedman tin rằng Mỹ không hề muốn xâm nhập Syria, ngay cả khi các lực lượng của ông Assad bị cáo buộc đã sử dụng khí độc để tấn công. 
Đây là lý do hoàn hảo để Tổng thống Obama tiến hành một cuộc tấn công quân sự, nhưng ông đã quyết định đứng ngoài vì lo ngại nó có thể tạo ra thêm một phong trào thánh chiến Sunni khác trong khu vực:“Nga đang cố ý hạ bệ Tổng thống Mỹ bằng cách làm như thể chính ông Putin là người khiến ông Obama lùi bước tại Ukraine".
Ông Friedman cũng công nhận rằng: Ukraine rất quan trọng với Nga. Ukraine là hồi chuông cảnh báo cho việc phương Tây đang cố gắng xấm lấn ngày một nhiều hơn. 
Theo vị chuyên gia này, các nước vùng đệm như Ukraine giúp Nga an toàn trước phương Tây. Đây là vấn đề đã được khẳng định nhiều lần trong lịch sử của Nga. Và Nga muốn có một thỏa thuận, ít nhất là giữ Ukraine ở thế trung lập.
Ngoài ra, Ông Friedman nhận định: Nga hoàn toàn có đủ khả năng để “miễn dịch” trước các sắc lệnh trừng phạt của Mỹ và việc đồng rúp bị mất giá gần đây là do giá dầu giảm.”
Sức mạnh của nước Nga nằm ở chỗ họ có khả năng chống chọi với những điều mà các quốc gia khác không thể chống chọi được. Người dân Nga còn cho thấy xu hướng ủng hộ chính phủ mà không hề phân biệt thẩm quyền khi cảm thấy an nguy quốc gia đang bị đe dọa.
Vị chuyên gia trên tin rằng việc ban hành các lệnh trừng phạt sẽ không mang lại hiệu quả như Mỹ và EU đã mong đợi. Ông chỉ ra một thực tế rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn có độ phủ sóng vô cùng lớn. Ngoài ra ông cũng học được thêm rằng: suy nghĩ của người Nga rất khác biệt so với người phương Tây, một phần vì họ đã quá quen với những biến động chính trị và kinh tế tại khu vực trong thế kỷ qua.
Người sáng lập Stratfor tiếp tục chia sẻ:”Bài học quan trọng nhất mà tôi có thể học được từ Nga đó là người Nga không phản ứng với các áp lực kinh tế như người phương Tây đã làm. Ví dụ như khẩu hiệu đơn giản trở nên nổi tiếng qua một chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ: “Đó là vấn đề kinh tế, ngốc thật!” không thể áp dụng ở Nga.”
Nhìn chung, ông Friedman nhận định rằng có rất nhiều những nghi ngại giữa Mỹ và Nga khi cả 2 bên đều “ngó lơ” nỗi lo lắng của đối phương. 
Ông cũng cho rằng cả 2 quốc gia lớn chỉ đang buộc phải thực hiện những việc để bảo vệ quyền lợi của mình, điều này vô hình chung khiến đối phương cảm thấy như bị tung hỏa mù nhưng sự thật mâu thuẫn đó không khó giải quyết như chúng ta vẫn nghĩ.
Stratfor là một công ty chuyên nghiên cứu chiến lược an ninh và dự toán cho các cá nhân và tổ chức trên toàn thế giới. Công ty này bắt đầu có tiếng tăm kể từ khi khủng hoảng tại Kosovo năm 1999 và các cuộc không kích của NATO nhằm vào Serbia bùng nổ. Số phận của các chính phủ và các nhà lãnh đạo chính trị cũng được dự đoán bởi Stratfor.

 


Hoàng Anh

Bình luận(0)