Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, nhiều lính Mỹ đã bị bắt giữ
khi máy bay bị bắn rơi trong/hoặc gần không phận Trung Quốc - những báo cáo mới nhất của NSA về Việt Nam và Đông Nam Á vừa tiết lộ.
Một ví dụ cụ thể là đại úy phi công Mỹ Captain Philip E. Smith bị bắt sau khi máy bay của ông này bay vào không phận Trung Quốc ở đảo Hải Nam. Theo báo cáo SIGINT của NSA, máy bay chiến đấu F-104 của Smith bị một chiếc MiG-19 của Trung Quốc đánh chặn và bắn rơi sau khi thiết bị định vị của Smith dừng hoạt động và bay lạc do trời nhiều mây.
|
Máy bay chiến đấu F104 của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam. |
Theo báo cáo của NSA, máy bay đánh chặn của Trung Quốc biết rõ về danh tính của chiếc máy bay bị bắn rơi cũng như đã bắt giữ phi công.
Trong một tai nạn khác, máy bay MiG của Trung Quốc cũng được cho là thủ phạm bắn rơi máy bay Mỹ khiến cho 2 phi công Mỹ bao gồm trung úy hải quân Terrence M. Murphy bị bắt giữ. Chiếc máy bay chiến đấu Mỹ đã bắn rơi 1 chiếc MiG của Trung Quốc trước khi rơi ở một vùng biển không xác định. Số phận của 2 viên phi công vẫn nằm trong vòng bí ẩn.
Tại thời điểm xảy ra các vụ va chạm kể trên,Trung Quốc và Mỹ không có mối quan hệ ngoại giao do Mỹ cho rằng Đài Loan là chính phủ hợp pháp của Trung Quốc. Điều này khiến cho Washington gặp nhiều khó khăn trong việc thương lượng về các binh sĩ bị bắt giữ.
Theo báo cáo của NSA, có khoảng 10 máy bay chiến đấu của Mỹ gặp các phản ứng thù địch ở đảo Hải Nam.
Các báo cáo nhận định, thời đó, động thái của Trung Quốc báo hiệu một chính sách tham gia tích cực hơn của Bắc Kinh nhằm chống lại ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Đi cùng với chính sách mới nhằm vào các máy bay Mỹ, Bắc Kinh cũng bắt giữ 2 binh sĩ bộ binh Mỹ ở Lào - báo cáo của NSA cho hay.
Báo cáo của NSA được tiết lộ từ hơn 7,5 triệu báo cáo trong đầu những năm 1990 nhằm trợ giúp việc giải quyết các vấn đề tù binh chiến tranh và mất tích trong khi thực thi nhiệm vụ của binh sĩ Mỹ. Hơn 170 tài liệu được tiết lộ từ ngày 11/12 và hơn 1.600 sẽ được tiết lộ trong những tháng tới.