|
Cách tiếp cận gây sức ép vụng về của Mỹ đối với Nga đã "phản tác dụng" trong vụ Edward Snowden.
|
Chưa đầy 24 giờ sau khi cựu nhân viên CIA chạy trốn Edward Snowden đáp xuống sân bay Moscow trên một chuyến bay từ Hong Kong cách đây 6 tuần, chính quyền Mỹ đã phát động một chiến dịch công khai gây sức ép buộc Nga trục xuất “kẻ lộ mật” này với cáo buộc tội làm gián điệp.
Theo các nhà phân tích ở Nga và ở Mỹ, đó là một cách tiếp cận “chắc chắn thất bại”, khi Nhà Trắng tìm cách đẩy Điện Kremlin vào thế bị động và coi vụ Snowden "có vai trò quá lớn" trong quan hệ song phương.
Nhà phân tích Alexei Mukhin, đứng đầu Trung tâm Thông tin chính trị có trụ sở tại Moscow, cho rằng điều này đồng nghĩa với việc “chính quyền Mỹ không muốn Nga dẫn độ Snowden”. Ông Alexei Mukhin nói với hãng tin RIA Novosti: “Nếu Nga chuyển giao Snowden cho nhà tù của Mỹ, điều này sẽ khiến cho các nhà lãnh đạo ở Moscow bị mất thể diện”. Theo ông, lẽ ra Moscow đã có thể đàm phán “ngầm” với Washington về vụ Snowden và Mỹ đã có thể thuyết phục được Nga trao trả cựu nhân viên CIA này.
Theo ông Steven Pifer - cựu đại sứ Mỹ ở Ukraine, quyết định của Nga cấp cho Snowden qui chế tị nạn tạm thời là điều mà chính quyền Obama nên dự liệu kể từ lúc anh ta đáp xuống sân bay Sheremetyevo ngày 23/6/2013.
Cựu đại sứ Steven Pifer nói rằng chính quyền Obama thừa hiểu rằng Nga sẽ không dẫn độ cựu nhân viên CIA Snowden. Ông trích dẫn trường hợp của cựu sĩ quan tình báo Nga Alexander Poteyev - được cho là sống ở Mỹ và bị Nga bị kết án vắng mặt về tội tiết lộ danh tính của một mạng lưới giám điệp Nga bị chính quyền Mỹ bắt và bị trục xuất trong năm 2010. Ông nói: “Tôi không thể hình dung việc Mỹ dẫn độ kẻ đào ngũ này (Alexander Poteyev) sang Nga”.
Theo cựu đại sứ Pifer, nỗ lực gây áp lực công khai của chính quyền Obama đối với Nga tạo ra ảo tưởng rằng phía Moscow sẽ bị khuất phục và sẽ trục xuất cựu nhân viên CIA Edward Snowden. Điều này đã dẫn đến việc các nhà lập pháp Mỹ đua nhau chỉ trích Nga và làm cho vụ Snowden có "một vai trò quá lớn trong quan hệ Mỹ-Nga”. Ông nói các vụ bê bối gián điệp và đào ngũ từ lâu đã là một phần trong quan hệ Nga-Mỹ. Nhưng trong quá khứ, hai bên đã xử lý sao cho các vụ này không lan sang lĩnh vực ngoại giao và không ảnh hưởng đến quan hệ song phương.
Washington vẫn tiếp tục kêu gọi Nga trục xuất Snowden, người mà các quan chức Mỹ đã mô tả như một tội phạm và sẽ phải đối mặt với nhiều tội nghiêm trọng, trong đó có tội tiết lộ những thông tin mật về chương trình giám sát điện tử của Cơ quan An ninh Mỹ NSA. Các quan chức ở Washington cũng khoe rằng Mỹ từng trao cho Nga nhiều nghi can tội phạm, bất chấp việc hai nước chưa có một hiệp ước dẫn độ chính thức.
Vấn đề Snowden dự kiến sẽ được thảo luận trong cuộc hội đàm tại Washington ngày 9/8 giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng như giữa các quan chức quốc phòng hàng đầu của hai nước.
Các cuộc hội đàm này vẫn diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Nhà Trắng thông báo hủy bỏ Hội nghị thượng đỉnh được dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng tới, trong đó việc Nga cung cấp qui chế tị nạn cho Snowden là một lý do “chủ yếu”.