Tổng thống Obama “buộc lòng” không đến Moscow

Google News

(Kiến Thức) - Tổng thống Obama đã hủy cuộc gặp dự kiến với Tổng thống Putin ở Moscow, nhưng vẫn sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Saint-Peterburg vào ngày 5-6 tháng Chín.

Tổng thống Obama "cực chẳng đã" mới không đến Moscow.
Việc một bên nào đó hủy bỏ bất kỳ hội nghị thượng đỉnh là quyết định khá nghiêm trọng. Và Moscow không thể không thất vọng trước quyết định này của Tổng thống Obama. Nhưng nếu đằng sau động tác hủy bỏ chuyến đi Moscow lý do gì đó thực sự nghiêm trọng, thì bản thân Tổng thống Obama đã đích thân công bố. Trong khi đó, việc hủy bỏ này được tiến hành dưới dạng bức thư ngắn gọn do thư ký báo chí của Nhà Trắng tuyên bố.
Chính quyền Mỹ nói rõ rằng việc hủy bỏ chuyến thăm Moscow của Tổng thống Obama là câu trả lời cho quyết định của Nga cấp phép tị nạn chính trị tạm thời cho cựu nhân viên CIA Edward Snowden.
Trong tuyên bố của Nhà Trắng nói thẳng: “Quyết định đáng thất vọng của Nga cấp tị nạn chính trị cho Edward Snowden cũng đã trở thành một yếu tố khi đánh giá tình trạng của quan hệ song phương”. Giữa Moscow và Washington cho đến nay vẫn không có hiệp ước về dẫn độ. Nhân đây cần nói những lời trách cứ của Mỹ về việc Nga không trao trả Snowden là hoàn toàn không có cơ sở.
Ông Yuri Ushakov, trợ lý của Tổng thống Nga, nói với các nhà báo: “Bản thân vấn đề này nhấn mạnh rằng Mỹ vẫn như trước đây chưa hề sẵn sàng xây đắp mối quan hệ trên cơ sở bình đẳng”. Tuy nhiên, ông Ushakov cũng nói thêm rằng "Tổng thống Mỹ vẫn còn lời mời đến thăm Nga".
Các chuyên viên Nga cho rằng ông Obama đã buộc phải quyết định như trên để làm vừa lòng các đối thủ Cộng hòa trong quốc hội, những người đòi xử lý Nga nghiêm khắc vì đã cho Snowden tị nạn. Vì vậy, có thể thấy động thái này để lấy lòng nghị viện.
Phần lớn các chuyên viên Nga cho rằng không nên bi kịch hóa về bước đi mới nhất của Nhà Trắng và cũng không nên lo ngại rằng động thái này sẽ làm cho quan hệ Mỹ-Nga tổn hại thêm.
Chuyên gia chính trị học Vilen Ivanov tuyên bố trên đài Tiếng nói nước Nga: “Sẽ chẳng có cảnh băng giá gì ở đây. Nga sẽ tiếp tục chính sách xây dựng của mình trong sự hợp tác với Mỹ. Chúng ta quan tâm đến điều đó. Còn ở Mỹ nảy sinh vấn đề trong đường lối đối ngoại và họ đang cố gắng bước ra không phải bằng cách tốt nhất – gây áp lực trên tất cả những đối tác khác. Nhưng lần này sức ép với Nga sẽ chẳng có tác dụng”.
Một số chuyên gia Nga không loại trừ sẽ có cuộc gặp giữa Tổng thống Obama và Tổng thống Putin "bên lề" Hội nghị thượng đỉnh ở Saint-Peterburg. Nhà phân tích chính trị Aleksai Zudin nhận xét: “Cuộc gặp song phương dự tính giữa ông Putin và ông Obama, thực ra phần nhiều là cần thiết cho tổng thống Mỹ. Bởi vì trong tương lai gần sẽ chẳng có cơ hội khác để tiến hành tham vấn về những vấn đề bức thiết nhất”.
"Vụ Snowden" cho đến nay vẫn không tác động đến nền tảng của mối quan hệ Nga-Mỹ. Không hề cắt giảm một chương trình nào, không hủy bỏ một hợp đồng hay thỏa thuận nào, trong khi hai bên vẫn tiếp tục trao đổi.
“Mặc dù chúng tôi không tán thành với Nga trong vụ việc Snowden", phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Jennifer Psaki tuyên bố, vẫn có "hàng loạt vấn đề rất quan trọng khác mà chúng tôi đồng thuận, sẽ tiếp tục hợp tác và thảo luận với nhau".
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov ngày 7/8 vẫn thảo luận với Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul về công tác chuẩn bị cho cuộc gặp của các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước theo hình thức “2+2”, sẽ được tổ chức vào ngày 9/8 tại Washington. Mọi sự đã diễn ra trong bối cảnh làm việc khá ấn tượng.
Văn Bình (theo VOR)

Bình luận(0)