Tháng 6 năm 2015, tập đoàn Monsanto của Mỹ bị những tổ chức khác nhau và các nhà hoạt động chính trị khởi kiện. Tháng 10 năm ngoái, năm thẩm phán từ Argentina, Bỉ, Canada, Mexico và Senegal đã lắng nghe 28 nhân chứng và sau 6 tháng nghiên cứu tài liệu bằng chứng, họ đã thông báo phán quyết của tòa. Gã khổng lồ nông nghiệp Monsanto bị qui kết theo 6 tội trạng, trong đó có cung cấp chất độc da cam gây thiệt hại nghiêm trọng cho thiên nhiên và con người Việt Nam.
|
Máy bay Mỹ rải chất độc màu da cam trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh: The New York Times |
Tòa án ở The Hague đã có kết luận như sau về Việt Nam:
"Trong giai đoạn từ 1962 đến 1973, hơn 70 triệu lít chất độc màu da cam có chứa chất độc dioxin đã được rải trên diện tích gần 2,6 triệu ha ở Việt Nam. Chất làm rụng lá trở thành nguyên nhân những tác động đáng kể tới sức khỏe của người dân Việt Nam. Ngoài ra, ảnh hưởng đến các quân nhân Mỹ, New Zealand, Australia và Hàn Quốc, loạt vụ kiện liên quan đã khẳng định Monsanto có trách nhiệm với những sự kiện này. Dựa vào các tiêu chuẩn hiện hành của luật pháp quốc tế và do thiếu những bằng chứng cáo buộc Monsanto về tội đồng lõa, tòa án không thể đưa ra phán quyết về vấn đề này. Tuy nhiên, dường như Monsanto không chỉ biết về mục đích sử dụng sản phẩm của họ mà còn nắm thông tin những tác động hậu quả tới sức khỏe và môi trường. Do đó, tòa nhấn mạnh rằng, hoạt động của tập đoàn Monsanto có thể sẽ chịu thẩm quyền phán xét của Tòa án Hình sự Quốc tế The Hague nếu hủy diệt môi trường sống được ghi nhận trong pháp luật hình sự quốc tế như một tội ác".
Tòa án ở The Hague phán quyết rằng gã khổng lồ công nghệ sinh học Monsanto đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến các quyền sở hữu môi trường lành mạnh, quyền được ăn và quyền được sống khỏe mạnh ở Việt Nam.
Monsanto là một trong những nhà cung cấp chính chất độc da cam được Không quân Mỹ sử dụng đánh phá lực lượng du kích Việt Nam. Những người Việt Nam ngồi hàng tuần trú bom Mỹ. Khi họ bước ra ngoài, cây cối xung quanh đã trụi lá. Thâm nhập và tích lũy trong cơ thể người, dioxin gây ra các bệnh ngoài da, làm các khối u lớn nhanh ở bệnh nhân ung thư. Ở Việt Nam, có khoảng 4,8 triệu nạn nhân của chất độc này, trong đó có 3 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cái gọi là "mưa màu da cam". Tiếp tục tăng số lượng người tàn tật vì cha mẹ, ông bà của họ chịu tác động của dioxin. Hàng chục nghìn nạn nhân bị ảnh hưởng bởi "chất độc da cam" sau chiến tranh đã qua đời và hàng trăm nghìn người, trong đó có nhiều trẻ em, đang bị bệnh.
Vào đầu năm 2004, lần đầu tiên các nạn nhân dioxin Việt Nam đã khởi kiện các công ty Mỹ sản xuất hóa chất. Nhưng ngày 10 tháng 3 năm 2005, Thẩm phán liên bang ở Brooklyn (Mỹ) đã bác khiếu nại do "thiếu những bằng chứng trực tiếp". Ngày 22 tháng 2 năm 2008, Tòa án phúc thẩm liên bang Hoa Kỳ bác khiếu nại của các nạn nhân "chất độc da cam" từ Việt Nam với hai công ty hóa chất Dow Chemical và Monsanto. Tiền bồi thường chỉ được các tập đoàn hóa học thanh toán cho cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam đã chịu tác động từ vũ khí hóa học của chính họ. Các chính phủ Australia và New Zealand cũng bồi thường thiệt hại cho cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam có mặt ở miền Nam Việt Nam với tư cách lực lượng đồng minh Mỹ. Ông Rene Lenherr, người khởi xướng vận động tòa án quốc tế về Monsanto cho biết, nhóm khởi xướng đã liên lạc với Monsanto hai lần mời công ty tham gia quá trình xét xử, nhưng đều không nhận được sự hồi đáp.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, Việt Nam hoan nghênh quyết định nói trên của Tòa án The Hague và tin rằng Monsanto cũng như các công ty khác của Mỹ phải tham gia khắc phục hậu quả dioxin ở Việt Nam.