Biển Đông: Mỹ càng lùi, Trung Quốc càng lấn tới

Google News

(Kiến Thức) - Tự do đi lại trên Biển Đông “đầy bão tố” đòi hỏi chính sách đối ngoại Mỹ gắn liền với sức mạnh toàn diện, can dự sâu rộng và lâu dài.

Đó là nhận định của học giả Patrick M. Cronin - cựu giám đốc cấp cao của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia tại Đại học Quốc phòng (Mỹ) và hiện đang lãnh đạo Chương trình An ninh Châu Á của một cơ quan nghiên cứu ở thủ đô Washington.
Bien Dong: My cang lui, Trung Quoc cang lan toi
Tiến sĩ Patrick M. Cronin - cựu giám đốc cấp cao của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia tại Đại học Quốc phòng (Mỹ).
Trung Quốc ngày càng lấn át ở Biển Đông
Theo Tiến sĩ Patrick M. Cronin, Biển Đông đã trở thành trung tâm cạnh tranh trên biển ngày càng quyết liệt ở Châu Á. Trung Quốc đang từng bước ráo riết khẳng định yêu sách chủ quyền đối với phần lớn diện tích Biển Đông. Trong năm 2010, Trung Quốc đã  bóng gió nói rằng Biển Đông là "lợi ích cốt lõi", một cụm từ thường được dùng để nói về các Khu tự trị Tây Tạng, Tân Cương.
Biển Đông gắn liền với kinh tế toàn cầu, với sự thịnh vượng của các quốc gia phụ thuộc vào thương mại.  Khoảng 90% khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển và hơn 1/3 số hàng hóa này đi qua Biển Đông.
Tuy nhiên, Biển Đông hiện là trung tâm tích tụ sức mạnh hải quân Trung Quốc đe dọa cái gọi là "chuỗi đảo thứ nhất", nơi khả năng triển khai sức mạnh của Mỹ để hỗ trợ “tự do hàng hải” ngày càng bị nghi ngờ.
Thái độ quyết đoán của Trung Quốc thông qua sự giàu có và quyền lực đang được hiển thị mạnh mẽ ở nước ngoài, đặc biệt trong tranh chấp lãnh thổ  ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Trong hai năm qua, Trung Quốc lấn biển trái phép tới  3.000 mẫu Anh trên các rạn san hô và bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa. Trung Quốc đã tạo ra một diện tích đất mới trong 20 tháng nhiều hơn 17 lần tổng số diện tích mà tất cả các bên tranh chấp khác bồi đắp trong vòng 40 năm qua. Diện tích đất mà Trung Quốc bồi đắp trái phép chiếm 95% tổng diện tích “đất nhân tạo” trong quần đảo Trường Sa.
Trong quá trình “hút cát đắp đảo nhân tạo” với tốc độ chóng mặt này, các tàu  nạo vét khổng lồ của Trung Quốc đã gây ra thiệt hại đáng kể cho hệ sinh thái biển vốn rất mong manh. Đáng lo ngại hơn, mục đích đắp “đảo nhân tạo” và xây dựng căn cứ quân sự của Trung Quốc là nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trong phạm vi cái gọi là “bản đồ đường chín đoạn” (đường lưỡi bò) phi lý, trái với luật pháp quốc tế và liếm trọn hầu hết diện tích Biển Đông. Chắc chắn, với hành động đắp “đảo nhân tạo”, Trung Quốc muốn củng cố vị thế trong năm tới, khi Tòa án Trong tài Thường trực (PCA) ở La Haye xem xét đơn kiện của Philippines về cơ sở pháp lý tuyên bố chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc.
Thông qua chiến thuật “tằm ăn lá dâu” (chiến thuật “cắt lát xúc xích” theo cách nói của người phương Tây), Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng trên biển và khiến cho các nước láng giềng ngày càng lo lắng, khi các nước này đang nghi ngờ  khả năng của Mỹ trên cương vị một đối trọng hiệu quả.
Ví dụ, đường băng 3.000 mét trên Đá Chữ Thập có thể làm bệ phóng cho tất cả các loại máy bay quân sự của Bắc Kinh hoạt động ở mạn nam Biển Đông, một bệ phóng cách đất liền Trung Quốc đến 740 hải lý.
Gần đây, Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc tập trận hải quân bắn đạn thật quy mô lớn, huy động 100 tàu chiến và bắn 100 tên lửa ở Biển Đông. Hải quân Trung Quốc cũng đã tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật lớn tương tự ở Biển Hoa Đông và biển Hoàng Hải. Các cuộc tập trận bắn đạn thật qui mô lớn này nhằm đe dọa các nước  láng giềng vốn có tiềm lực hải quân và cảnh sát biển thấp hơn nhiều so với Trung Quốc.
Chiến lược nửa vời của Mỹ
Mặc dù chính sách “tái cân bằng” ở Châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Obama có ý nghĩa địa chiến lược,  những nó lại được thực hiện một cách nửa vời do tình trạng khan hiếm các nguồn lực. Sáng kiến kinh tế Đối tác xuyên Thái Bình Dương vẫn ở trong quá trình thương lượng khá trục trặc, chưa biết đến khi nào mới hoàn thành. Tương tự, những nỗ lực ngoại giao như yêu cầu lặp đi lặp ngừng xây dựng ở phía nam Biển Đông hoặc kêu gọi ASEAN và Trung Quốc soạn thảo Bộ qui tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) có tính  ràng buộc…lại tỏ ra  yếu ớt và ít có cơ hội được lắng nghe.
Ngay cả sức mạnh cốt lõi của Mỹ là sức mạnh quân sự cũng đang bị xói mòn. Điệp khúc chuyển 60% lực lượng hải quân Mỹ đến khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng không mấy tác dụng do lực lượng hải quân bị suy giảm về qui mô.
Cùng với các yếu tố khác, việc cắt giảm ngân sách quân sự dẫn đến sự xói mòn của sức mạnh hải quân đang phát đi  thông điệp rõ ràng nhất đến khu vực về những cam kết và năng lực của Mỹ.
Trong khi đó, một số chính khách ở Washington phớt lờ mưu đồ thâu tóm Biển Đông của Trung Quốc, khi tuyên bố rằng Mỹ không nên sa tham chiến chỉ vì một vài mỏm đá ở Biển Đông. Nhưng những mối đe dọa ở Biển Đông không chỉ là vài mỏm đá, mấy rạn san hô hay các nguồn tài nguyên, mà là sự ổn định trong tương lai của khu vực và trật tự trên biển.
Washington cũng đã quá nhút nhát trong việc đáp trả những hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực của Bắc Kinh, khi khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc xua đuổi Philippines khỏi bãi cạn Scarborough. Tương tự như vậy, trong tháng Bảy năm nay, máy bay tuần tra P-8 không dám bay vào khu vực 12 hải lý xung quanh các “đảo nhân tạo” chỉ có vùng an toàn không quá 500 mét, theo luật pháp quốc tế. Mỹ cần khắc phục sự nhút nhát này càng sớm càng tốt, trước các căn cứ của Trung Quốc được trang bị đầy đủ thiết bị quân sự.
Mục đích của tự do hàng hải và hàng không không phải là để khiêu khích Trung Quốc mà để nhấn mạnh chuẩn mực khu vực và luật pháp quốc tế. Mỹ  không muốn chiến tranh mà chỉ quan tâm đến ổn định, luật pháp, thương mại và tự do đi lại. Nhưng nếu Mỹ không chuẩn bị để trở lại nguyên tắc sức mạnh, thì người ta không có gì đáng phải ngạc nhiên khi thấy Trung Quốc ngày càng lấn lướt, triệt để tận dụng lợi thế của “khoảng trống quyền lực” ở Châu Á-Thái Bình Dương.
Minh Châu (Theo The National Interest)

Bình luận(0)