Bạc Hy Lai có bị tuyên án tử hình?

Google News

(Kiến Thức) - Việc cựu Bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân không bị hành quyết sẽ đặt ra một tiền lệ đối với vụ xét xử cựu Ủy viên Bộ chính trị Bạc Hy Lai.

Cựu Bộ trưởng Đường sắt TQ Lưu Chí Quân bị kết an tử hình hoãn thi hành án 2 năm, đồng nghĩa với tù chung thân. 
Vụ Bạc Hy Lai được coi là vụ bê bối chính trị lớn nhất Trung Quốc trong vòng 20 năm qua. Sau một thời gian dài giằng co ở hậu trường, cuối cùng cựu Ủy viên Bộ chính trị kiêm cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai cũng bị luận tội tuần trước với các tội danh nhận hối lộ, tham ô và lạm dụng quyền lực.
Theo một cáo trạng được Tân Hoa Xã công bố, "Bạc Hy Lai đã lợi dụng chức vụ để kiếm lợi, nhận hối lộ số lượng lớn tiền bạc và tài sản”.
Vụ xét xử Bạc Hy Lai diễn ra sau vụ xử cựu Bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân, người đã bị tuyên án tử hình hoãn thi hành án 2 năm (một mức án thường được giảm xuống tù chung thân sau 2 năm) về tội nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực. Lưu Chí Quân bị kết án nhận hối lộ ít nhất 10,5 triệu USD từ năm 1986 đến năm 2011 và lạm dụng quyền hạn của mình để giúp 11 đối tác kinh doanh thắng thầu hoặc nhận được các hợp đồng béo bở.
Lưu Chí Quân cũng bị tước đoạt “quyền tham gia chính trường cho đến hết đời và bị tịch thu tất cả tài sản cá nhân”, trong khi mức án “tử hình hoãn thi hành” đồng nghĩa với việc ông này phải ngồi tù ít nhất 10 năm tù giam.
Việc Lưu Chí Quân không bị kết án tử hình mặc dù đã phạm tội nghiêm trọng đã khiến công luận Trung Quốc rất bất bình và nghi ngờ cam kết “đánh cả hổ lẫn ruồi” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nhiều nhà quan sát chính trị cho rằng với “tiền lệ” Lưu Chí Quân, Bạc Hy Lai ít có khả năng bị tuyên án tử hình, do ông này cũng là “con ông, cháu cha” và do một “qui tắc bất thành văn” trong việc xử phạt các cựu Ủy viên Bộ chính trị ĐCS Trung Quốc.
Những người chỉ trích đã dẫn ra những qui định hiện hành, trong đó nói các quan chức tham nhũng từ 100.000 nhân dân tệ (16.300 USD) trở lên sẽ bị kết án từ 10 năm tù giam đến chung thân, bị tịch thu tài sản và thậm chí có thể bị kết án tử hình trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Nếu thực hiện đúng qui định này, với hành vi tham nhũng 10,5 triệu USD, tòa án có quá đủ lý do để khép Lưu Chí Quân vào tội chết. Số phận tương tự cũng dành cho Bạc Hy Lai, người bị cáo buộc đã nhận hối lộ ít nhất 4 triệu USD.
Mới đây, một bài xã luận của Tân Hoa Xã đã so sánh Bạc Hy Lai với bạo chúa Tần Thủy Hoàng thời Xuân Thu chiến quốc và cáo buộc “ngôi sao đang lên thì vụt tắt” này dám đi ngược đường lối của đảng. Bài xã luận này nói Lưu Chí Quân chỉ phạm tội hủ hóa tham nhũng, nhưng việc Bạc Hy Lai thách thức quyền lực của các nhà lãnh đạo đất nước, với các chiến dịch làm sống lại tư tưởng Mao Trạch Đông ở Trùng Khánh được coi là một vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều.
Việc không kết án tử hình đối với Lưu Chí Quân sẽ khiến cho việc kết án Bạc Hy Lai trở nên phức tạp. Việc kết án tử hình Bạc Hy Lai sẽ vấp phải những sự chống đối vì ông này “ăn hối lộ” ít hơn Lưu Chí Quân và khiến người ta nghi ngờ bản án này có “mùi vị chính trị”.
Nếu Bạc Hy Lai không bị kết án tử hình với lý do như “hợp tác với chính quyền”, “ăn năn hối lỗi” và do những đóng góp tích cực của ông ở Trùng Khánh, công chúng vẫn coi phán quyết này là không công bằng vì các tội danh mà ông này đã mắc phải. Hơn thế nữa, người ta cũng nghi ngờ Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ nặng tay “đập ruồi”, nhưng lại nhẹ chân “đả hổ”.
Lê Chân ( theo WantChinaTimes)

Bình luận(0)