|
Nhiều thách thức lớn đang chờ đợi tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. |
Tuy nhiên, kết quả bầu cử Hạ viện phần nhiều là một sự trừng Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền hơn là thể hiện sự ủng hộ Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đối lập. Với việc cử tri không hài lòng với tất cả các đảng phái chính trị ở Nhật Bản, tân Thủ tướng Abe và LDP cầm quyền sẽ phải đối mặt với 3 thách thức vô cùng to lớn.
Vực dậy nền kinh tế suy trầm
Cử tri Nhật Bản quan tâm nhiều nhất đến kinh tế đất nước nói chung và tài chính cá nhân của họ nói riêng. Sau hai thập kỷ kinh tế trì trệ, bài học rõ ràng của bầu cử năm 2009 và 2012 là cử tri sẽ trừng phạt các chính trị gia không giữ lời hứa hồi sinh nền kinh tế Nhật Bản. Vấn đề bao trùm mà nội các Abe phải tập trung ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Ông Abe và LDP thắng cử là nhờ vào đề xuất gói kích cầu khổng lồ kết hợp với nới lỏng chính sách tiền tệ.
Thủ tướng Abe có thể đoạn tuyệt với quá khứ bằng cách mạnh dạn chấp nhận cải cách. Nhật Bản cần được tái điều chỉnh, cần đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều hơn, cần khuyến khích giới doanh nhân và phải theo đuổi tự do thương mại. Một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc cũng chỉ ra rằng việc phụ nữ tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động Nhật Bản có thể làm cho GDP của nước này tăng trưởng tới 8%.
Một cách mà Thủ tướng Abe có thể làm để đoạn tuyệt với quá khứ là tập hợp xung quanh mình một đội ngũ chuyên gia kinh tế giỏi, không phân biệt đảng phái. “Liên minh lớn” của các chuyên gia kinh tế này có thể đưa ra một số đề xuất khởi động nền kinh tế Nhật Bản.
Nếu làm được cả hai điều nói trên, Thủ tướng Abe sẽ chứng tỏ rằng ông nghiêm túc thực hiện những cam kết tranh cử và nhận thức được rằng vực dậy nền kinh tế Nhật Bản chính là ưu tiên số một.
Xử lý khôn khéo mối quan hệ với Mỹ
Đảng Dân chủ Nhật Bản đã “tự bắn vào chân mình”, khi trong những tháng cầm quyền đầu tiên đã hủy bỏ một thỏa thuận ký kết năm 2006 với Washington về việc di dời một căn cứ không quân của Thủy quân lục chiến Mỹ ở Okinawa. Sau đó, đảng này đã phải mất nhiều năm cố gắng để hàn gắn bất đồng, nhưng không đạt được tiến bộ thực sự về vấn đề này. Mãi đến năm 2012, nội các Noda mới tiến hành một số động thái theo hướng tăng cường sức mạnh quân sự của Nhật Bản – trong đó có quyết định mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35, xem xét lại lệnh cấm xuất khẩu vũ khí và tiếp tục chương trình phòng thủ tên lửa. Tuy nhiên, ngân sách quốc phòng tiếp tục giảm trong những năm DPJ cầm quyền.
Về phần mình, Mỹ sẽ mong đợi LDP và Thủ tướng Abe nối lại mối quan hệ làm việc đã được thiết lập dưới thời Thủ tướng Koizumi. Có dấu hiệu cho thấy Thủ tướng Abe đang thiên về hướng này và sẵn sàng sửa đổi Hiến pháp để cho phép nước này tham gia các hoạt động phòng thủ chung. Đặc biệt, Thủ tướng Abe có thể tiếp tục thúc đẩy ý tưởng hợp tác giữa các nền dân chủ và các quốc gia tự do, điều mà ông từng nhấn mạnh trong thời gian cuối cùng của nhiệm kỳ thủ tướng lần trước (2005-2007).
Đối phó với Trung Quốc
Quan hệ Trung-Nhật đã “dậy sóng” từ mùa hè vừa qua do vấn đề Senkaku. Chính quyền Noda quyết định quốc hữu hóa ba trong số các hòn đảo của quần đảo Senkaku đang tranh chấp dẫn các cuộc biểu tình chống Nhật Bản tại Trung Quốc, giảm đáng kể kim ngạch thương mại song phương và sa vào trò chơi “rượt đuổi bất tận” với Trung Quốc trên các vùng biển xung quanh và trên không phận Senkaku. Cảnh sát biển Nhật Bản đã phải gồng mình chống trả các cuộc xâm nhập gần như mỗi ngày của các tàu công vụ Trung Quốc.
Thủ tướng Abe phải đưa ra một phương thức đáng tin cậy để khẳng định chủ quyền của Nhật Bản đối với Senkaku cũng như duy trì sự kiểm soát hành chính đối với quần đảo đang tranh chấp này. Tuy nhiên, ông cũng không thể hy sinh đại cục quan hệ Trung-Nhật cũng như không mạo hiểm lao vào xung đột hay để cho thương mại song phương sụp đổ. Căng thẳng Bắc Kinh-Tokyo hiện đã lên đến mức cao độ và một tính toán sai lầm có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Vì vậy, Thủ tướng Abe cần chủ động đề xuất nhằm ổn định quan hệ Trung-Nhật, trong khi không gây ảnh hưởng tiêu cực đến các vấn đề biển đảo.
Đồng thời, Thủ tướng Abe cần tìm cách tăng cường các mối quan hệ của Nhật Bản với các láng giềng trong khu vực như Australia, Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam và với cả Ấn Độ nữa. Bảy thập kỷ sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II, Nhật Bản vẫn chưa có được một đối tác đối tác mật thiết nào trong khu vực. Tokyo cần giải quyết mối quan tâm khu vực về hành động tàn bạo của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản trong quá khứ và bắt đầu xây dựng một tương lai hợp tác hơn.
Là một nhân vật bị coi là theo chủ nghĩa dân tộc, nhưng Thủ tướng Abe lại có cơ hội thực hiện một bước đột phá bằng cách thúc đẩy kỷ nguyên mới ở châu Á.
Nói tóm lại, cả ba thách thức kể trên đều vô cùng khó khăn. Nhưng bằng cách đưa ra một tầm nhìn đúng đắn hồi sinh Nhật Bản và đóng một vai trò lớn hơn trên trường quốc tế, chính quyền Abe có thể khởi động tiến trình đưa Nhật Bản trở thành một trong những trụ cột của cộng đồng quốc tế.
BÀI ĐỌC NHIỀU
TIN LIÊN QUAN