“Núi cao, vực sâu” trước mắt tân Thủ tướng Nhật

Google News

(Kiến Thức) - Ông Shinzo Abe phải giúp Nhật Bản vượt qua khủng hoảng, khôi phục sức mạnh ngoại giao trên chính trường thế giới.

Đối nội
Hiện vẫn còn sớm để có thể xác định rõ đường hướng của Đảng Dân chủ Tự do trong chính sách đối nội và đối ngoại của Nhật Bản, nhưng qua tuyên bố của Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do Shinzo Abe, có thể phác họa những đường nét cơ bản về xu hướng phát triển của Nhật Bản trong những năm tới. 

Trong chính sách đối nội, ông Shinzo Abe chủ trương tiến hành sửa đổi Hiến pháp hoà bình của Nhật Bản, theo đó sẽ nâng cấp Lực lượng phòng vệ hiện nay thành lực lượng quốc phòng, được phép cùng với các đồng minh thực hiện quyền tự vệ tập thể. Về xu hướng này, giới phân tích cho rằng, việc sửa đổi Hiến pháp hoà bình của Nhật Bản là không mấy dễ dàng do có thể vấp phải sự phản đối của một số thế lực bên trong và bên ngoài Nhật Bản.

Ngoài ra, mặc dù thất bại trong cuộc bầu cử Hạ viện vừa qua nhưng Đảng Dân chủ vẫn là chính đảng lớn nhất tại Thượng viện, trong khi Đảng Dân chủ Tự do và Đảng Công minh chỉ chiếm 102 ghế tại Thượng viện, vẫn thiếu 16 ghế mới chiếm quá bán.

Trong lĩnh vực kinh tế, Chính phủ của ông Shinzo Abe sẽ phải giải quyết nạn giảm phát đã trở thành "căn bệnh kinh niên" trong nền kinh tế, cũng như tình trạng đồng Yên của Nhật Bản tăng giá so với đồng USD đã hạn chế đáng kể khả năng xuất khẩu vốn là thế mạnh truyền thống của nước này.

Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do, ông Shinzo Abe, sẽ là Thủ tướng mới của Nhật Bản.

Hoá giải mâu thuẫn cơ bản trong đối ngoại
Trong chính sách đối ngoại, ông Shinzo Abe khẳng định sẽ tiếp tục duy trì và tăng cường quan hệ liên minh Nhật Bản - Mỹ, đồng thời gia tăng vai trò và sức mạnh ngoại giao của Tokyo. Theo hướng đó, ông Shinzo Abe cho biết, Mỹ có thể là nước đầu tiên ông đến thăm trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản sắp tới.

Quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất đối với Tokyo. Theo hướng đó, ông Shinzo Abe cam kết sẽ tăng cường trao đổi thông tin với Trung Quốc nhằm cải thiện quan hệ song phương. Tuy nhiên, ông Shinzo Abe vẫn kiên quyết khẳng định chủ quyền của Nhật Bản và tuyên bố không thương lượng về vấn đề chủ quyền đối với nhóm đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Trong quan hệ với Nga liên quan tới cuộc tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Nam Kuril, ông Shinzo Abe cho biết, sẽ giải quyết vấn đề lãnh thổ giữa hai nước và sẽ ký kết Hiệp định hòa bình với Nga. Ông cũng hy vọng sẽ cải thiện quan hệ song phương Nhật Bản - Nga và sẵn sàng đối thoại với Mát-xcơ-va. 

Giới phân tích cho rằng, trong khi chủ trương củng cố liên minh Nhật Bản - Mỹ, Đảng Dân chủ Tự do sẽ phải xử lý khéo léo vấn đề tái bố trí căn cứ không quân của Mỹ ở Futenma để tránh va vào "vách đá chủ nghĩa dân tộc" mà đảng Dân chủ cầm quyền vừa qua đã vấp phải. Ngoài ra, ông Shinzo Abe cũng khẳng định, chính phủ mới sẽ cải thiện quan hệ với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga.

Là người theo chủ trương bảo thủ, ông Shinzo Abe đã từng thực hiện chính sách đối ngoại quyết đoán hơn và muốn tăng cường vai trò lớn hơn cho Nhật Bản trên trường quốc tế. Nhưng theo nhận định của GS Carl Thayer thuộc Viện Quốc phòng Australia, tình trạng suy thoái toàn cầu sẽ buộc Nhật Bản và Trung Quốc phải đặt các vấn đề nội bộ lên đầu nghị trình làm việc của họ. Do đó, có nhiều khả năng cả Nhật Bản và Trung Quốc đều không muốn có một cuộc khủng hoảng trong chính sách đối ngoại gây trở ngại cho việc hóa giải các vấn đề đối nội.

Nhưng với sự chuyển biến chung qua phía hữu trong chính trường Nhật Bản, lập trường của ông Shinzo Abe đối với Trung Quốc có thể cứng rắn hơn so với khi ông làm Thủ tướng Nhật Bản cách đây 5 năm.

Hương Ly

Bình luận(0)