Đó là nhận định của nhà phân tích Anders Corr - sáng lập ra Công ty phân tích Corr, một công ty đưa ra các phân tích chiến lược về chính trị quốc tế - trong bài viết đăng trên tạp chí The National Interest.
Theo nhà phân tích Anders Corr, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye vừa đưa ra một phán quyết "cay đắng" khó nuốt trôi đối với Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông của Philippines.
|
Tàu Trung Quốc hút cát bồi đắp trái phép đá Vành Khăn ở Biển Đông. Ảnh Sputnik |
Phản ứng trước phán quyết về Biển Đông của PCA, Trung Quốc tuyên bố rằng việc chính quyền Philippines của Tổng thống Aquino III đơn phương yêu cầu Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) can thiệp là “trái với luật pháp quốc tế” và PCA “không có thẩm quyền về vấn đề này".
Cho đến nay, phản ứng chính thức của Bắc Kinh có vẻ như giả điếc trước dư luận quốc tế nhưng lại nhận được sự ủng hộ ở trong nước.
Có thể nói, Trung Quốc “chiến thắng”... ở trong nước. Tuy nhiên, những gì xảy ra tiếp theo là hoàn toàn không thể dự đoán. Nếu Mỹ và các đồng minh thực thi phán quyết PCA (như bảo vệ các ngư dân Philippines ở bãi cạn Scarborough), thì luật pháp quốc tế và độ tin cậy trong các cam kết liên minh của Mỹ sẽ được tăng cường và uy tín của Trung Quốc sẽ bị sụt giảm.
Philippines cần đến sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Mỹ và các đồng minh vào thời điểm cần thiết hiện nay. Tuy nhiên, liệu tân Tổng thống Duterte có kêu gọi sự ủng hộ của Mỹ, kể cả lĩnh vực quân sự, và từ chối mời chào kinh tế hậu hĩnh từ phía Trung Quốc?
Liệu phán quyết của PCA về Biển Đông có được thực thi hay cứ để cho Trung Quốc phớt lờ phán quyết?
Theo ông Anders Corr, có ba biện pháp chủ yếu mà Mỹ cần thực hiện trong thời điểm này.
Thứ nhất, Tổng thống Mỹ Barack Obama cần có quan điểm mạnh mẽ trong việc hỗ trợ không chỉ về các yêu sách biển mà còn cả đối với yêu sách lãnh thổ của Philippines. Washington cần ngay lập tức điều lực lượng hải quân phối hợp với Hải quân Philippines để cùng nhau bảo vệ bãi cạn Scarborough, bãi Cỏ Mây và các bãi cát ngầm, rạn san hô khác ở Biển Đông. Ngoài ra, Mỹ cũng cần bố trí một lực lượng hải quân đủ mạnh, tuần tra tất cả các bãi cát ngầm, các rạn san hô ở Biển Đông mà Trung Quốc đang chiếm đóng, đặc biệt là đá Vành Khăn.
Thứ hai, Mỹ cần phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Công ước quan trọng này sẽ đem lại lợi thế nhiều hơn vì nó quy định Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Mỹ là 11,4 triệu km2, trong khi Trung Quốc chỉ có 877.000 km2. Điều này khiến Mỹ có lợi thế hơn Trung Quốc từ góc độ UNCLOS và đưa Washington vào vị trí tốt hơn trong việc hỗ trợ các quốc gia đang có tranh chấp ở Biển Đông.
Thứ ba, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Mỹ nên có những động thái tích cực để đảm bảo rằng Philippines và các nước trong khu vực không bị tổn thương về mặt kinh tế, khi Trung Quốc trừng phạt các nước này bằng cách hạn chế thương mại và thu hồi vốn đầu tư.