6 cuộc chiến mà Trung Quốc tham gia trong 50 năm tới

Google News

(Kiến Thức) - Tờ Weweipo cho rằng, mọi tranh chấp lãnh thổ chủ yếu hiện nay của Trung Quốc sẽ đều dẫn tới chiến tranh trong 50 năm tới.

Cuối năm 2013, việc chính quyền Trung Quốc tuyên bố thành lập khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông đã khiến tình hình khu vực trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết.
Vùng nhận diện phòng không ở Hoa Đông bao gồm vùng trời bao quanh quần đảo nhỏ gây tranh cãi được Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản là Senkaku. Ngay lập tức, Nhật Bản và đồng minh Mỹ đều đồng loạt phản đối ADIZ của Trung Quốc. Thậm chí, đã có thời điểm Mỹ điều cả máy bay ném bom chiến lược B-52 bay vào ADIZ mà Trung Quốc tuyên bố lập.
Không chỉ dừng lại ở Hoa Đông, ít lâu sau đó lại có những thông tin về việc Trung Quốc có thể lập cái gọi là Vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông khiến nhiều quốc gia lo ngại xung đột có thể xảy ra.
 Ảnh minh họa.
Gần đây, một tờ báo của Trung Quốc Weweipo đã đưa ra nhận định, mọi tranh chấp lãnh thổ chủ yếu của Trung Quốc sẽ dẫn đến chiến tranh. Qua đó, tờ báo này đưa ra giả thiết về “6 cuộc chiến tranh bắt buộc” của Trung Quốc trong 50 năm tới.
Dưới đây là 6 cuộc chiến mà Trung Quốc “bắt buộc” tham gia mà bài viết đề cập:
1. Thống nhất Đài Loan (2020-2025)
Dù Trung Quốc và Đài Loan đang có mối quan hệ khá ôn hòa, tuy nhiên Weweipo cho rằng, Trung Quốc vẫn tiếp tục phấn đấu cho sự nghiệp “thống nhất”.
2. Các đảo trên Biển Đông (2025-2030)
Weweipo tin là sau sự trở lại “không thể tránh khỏi” của đảo Đài Loan, các quốc gia Đông Nam Á sẽ “run rẩy và sợ hãi”. Đây sẽ là động lực cho các cuộc đàm phán để “chiếm lại” những hòn đảo ở Biển Đông mà chính phủ các nước trong khu vực như Đài Loan, Malaysia, Philippines… tuyên bố chủ quyền.
 Trực thăng Mi-17 của Trung Quốc trong cuộc tập trận đổ bộ đường không.
3. Nam chinh Tây Tạng (2035-2040)
Một khu vực ở dãy Hy Mã Lạp Sơn được gọi là “Nam Tây Tạng” là điểm tranh chấp chính giữa hai quốc gia khổng lồ: Trung Quốc và Ấn Độ.
Bài báo cho rằng, “chiến lược tốt nhất cho Trung Quốc là kích động sự tan rã của Ấn Độ” bằng cách chia đất nước thành nhiều quốc gia nhỏ hơn để “Ấn Độ sẽ không có sức mạnh để đối phó với Trung Quốc”.
4. Đảo trên biển Hoa Đông (2040-2045)
Bài báo khẳng định rằng nhóm đảo Điếu Nhật gọi là Senkaku, đều sẽ thuộc về Trung Quốc. Trong khi cuộc xung đột sẽ không diễn ra cho đến năm 2040, các học giả khác đã ước tính rằng một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản, và có khả năng là cả với Mỹ, có thể xảy ra sớm hơn.
5. Ngoại Mông (2045-2050)
“Nếu Ngoại Mông (một từ ít dùng thường để gọi Mông Cổ) có thể trở về Trung Quốc một cách hòa bình, đó là điều tốt nhất, nhưng nếu Trung Quốc gặp phải sự chống đối hay sự can thiệp của nước ngoài, cần thiết phải có hành động quân sự”, bài báo viết.
 Tàu chiến Trung Quốc phóng rocket trên biển.
6 . Khôi phục các lãnh thổ bị Nga chiếm (2055-2060)
Weweipo công nhận mối quan hệ tốt hiện nay giữa Trung Quốc và Nga nhưng nhấn mạnh rằng “Trung Quốc không bao giờ quên các vùng đất bị mất vào tay Nga” trong nhiều thế kỷ qua, và “khi có cơ hội đến, Trung Quốc sẽ lấy lại vùng đất này”.
“Tất cả các chiến thắng trước đó sẽ khiến người Nga phải suy nghĩ về việc trao trả lại lãnh thổ cho Trung Quốc, nhằm tránh một cuộc chiến thực sự nổ ra”, các nhà báo của Weweipo tự tin viết.
Lương Minh

Bình luận(1)

Minh Hiền

Trần Phong

TQ chơi trò "Rung cây nhát khỉ" nhưng quên nghĩ rằng : Không quá 10 nữa TQ sẽ bị tan rã và có thể bị chia thành 3-4 quốc gia độc lập.