Ai Cập: Quân đội đối đầu với tổng thống

Google News

(Kiến Thức) - Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi đêm 2/3 đã bác yêu cầu của Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fattah al-Sisi đòi ông từ chức để ngăn chặn một cuộc tắm máu.


 Tình hình Ai Cập: Đảo chính hay không đảo chính?

Không những thế, ông Mursi còn đòi quân đội rút lại tối hậu thư 48 tiếng đồng hồ, mãn hạn vào tối nay.

Theo các nguồn tin của debkafile, một diễn biến đáng chú ý là Bộ trưởng Nội vụ Muhammad Ibrahim đã đặt tất cả các lực lượng cảnh sát, mật vụ và tình báo dưới quyền điều động của quân đội vì không muốn tiếp tục tuân lệnh Tổng thống Mursi và chính phủ của tổ chức “Anh em Hồi  giáo” nữa. Quyết định này cho phép quân đội dễ dàng “đảo chính” sau khi tối hậu thư mãn hạn.

Hành động của quân đội không nhất thiết là một "cuộc đảo chính", nhưng sẽ tước bỏ quyền hành của tổ chức “Anh em Hồi giáo”, sau khi Tổng thống Mursi mất đi   chỗ dựa cuối cùng là lực lượng an ninh .

Quân đội sẽ hành động “thể theo ý muốn của người dân”, sau khi các cuộc biểu tình và phản biểu tình bạo lực lan rộng ở thủ đô Cairo. Đã có 16 người thiệt mạng trong ba cuộc bạo động khác nhau  giữa những người ủng hộ và phản đối Tổng thống Mursi. Các cuộc biểu tình lớn chống chính phủ cũng diễn ra ở Alexandria và nhiều thành phố khác ở Ai Cập.

Tổng thống Mursi và tổ chức “Anh em Hồi giáo” sẽ không nhượng bộ bởi vì điều này có nghĩa là từ bỏ quyền lực chỉ sau một năm cầm quyền. Nhưng xem ra, họ không thể nào ngăn cản một cuộc “đảo chính”, khi mất đi sự ủng hộ của quân đội, cảnh sát và các lực lượng an ninh nội địa.

Sự sụp đổ của tổng thống Mursi sẽ làm suy yếu nghiềm trọng các mục tiêu mà chính quyền Obama theo đuổi ở Trung Đông.

 Chính quyền Obama đã không thể thuyết phục người đứng đầu quân đội Ai Cập từ bỏ  tối hậu thư 48 giờ và kế hoạch tước quyền Tổng thống Mursi, lập ra một chính phủ lâm thời cho đến khi Ai Cập bầu được một vị tổng thống mới.

Các nguồn tin Trung Đông của debkafile cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Abdel-Fattah el-Sissi đã bác bỏ đề nghị của Washington, bất chấp việc có thể  mất đi 1,3 tỷ USD viện trợ quân sự Mỹ hàng năm.

Trong khi đó, chính quyền Mursi đang tan rã. Bộ trưởng Ngoại giao Mohamed Kamel Amr đã từ chức sáng 3/7 và là bộ trưởng thứ 6 rời bỏ chính quyền Mursi. Trước đó, cố vấn quân sự của Tổng thống Mursi là tướng Sami Anan cũng đã từ chức. Đáng chú ý là các vị thẩm phán tòa án tối cao và nhiều quan chức cảnh sát cao cấp cũng đã tham gia các cuộc biểu tình chống chính phủ Ai Cập trong tuần qua.

Tổng thống Mursi và “Anh em Hồi giáo” hiện đang phải đối mặt với hai tối hậu thư: Nếu vào chiều Thứ Ba (3/7), Tổng thống Mursi không đồng ý từ chức và kêu gọi bầu cử trước thời hạn, những người tổ chức phong trào biểu tình phản đối sẽ tiến hành chiến dịch “không phục tùng chính quyền”.  Bộ trưởng Quốc phòng Abdel-Fattah el-Sissi cho biết quân đội sẽ can thiệp, nếu chính phủ không "chú ý đến ý muốn của người dân" vào chiều 4/7/2013.

Tổ chức “Anh em Hồi giáo và các đồng minh cực đoan đang huy động các tín đồ để tiến hành “phản biểu tình”. Điều này sẽ đẩy Ai Cập đến bờ vực của  bạo lực leo tháng và kéo dài,  với những hậu quả khôn lường.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Lê Chân (theo debkafile)

Bình luận(0)