Tham vọng của ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mỹ

Google News

(Kiến Thức) -  Chủ tịch Tập Cận Bình sử dụng cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Obama để nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc trên thế giới và xua tan hình ảnh "con rồng ngạo mạn".


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong 2 ngày 7/6 và 8/6 ở California.

Cuộc gặp  thượng đỉnh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama được cho là bao gồm một chương trình nghị sự vĩ mô, từ nỗ lực giải quyết các vấn đề ở Châu Á cho đến chuyện Mỹ cáo buộc Trung Quốc tấn công mạng. Tuy nhiên, ông Tập lại hướng đến khát vọng còn lớn hơn đó là xây dựng lại “quan hệ nước lớn kiểu mới” giữa hai bên.

Đây được xem là một mục tiêu táo bạo nhưng chưa được định nghĩa rõ ràng. Những gì rõ ràng chính là tham vọng của ông Tập Cận Bình phản ánh nhận thức rằng, sức mạnh kinh tế và quân sự đang lên nhanh chóng của Trung Quốc phải được củng cố bằng sự đánh giá cao hơn của cộng đồng quốc tế.

Đặc biệt, kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, thái độ quốc tế đối với Trung Quốc có sự thay đổi lớn, khi nhiều người nhìn “con rồng Châu Á” như là một siêu cường ngạo mạn.

Thái độ ấy không chỉ được thể hiện trong giới tinh hoa chính trị mà còn dư luận quốc tế. Theo Dự án nghiên cứu thái độ toàn cầu Pew, được thực hiện độc lập giữa năm 2009 và giữa năm 2011, thái độ dư luận tại các quốc gia như Tây Ban Nha, Pháp, Pakistan, Jordan, Israel, Ba Lan và Đức tăng 10% hoặc nhiều hơn 10% đối với việc Trung Quốc sẽ hoặc đã đã vượt Mỹ, trở thành cường quốc mạnh nhất thế giới.

Trong khi quốc tế thừa nhận sức mạnh của Trung Quốc, không phải ai cũng cho rằng đây là điều tích cực. Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã làm dấy lên các phản ứng hỗn tạp khác nhau trong cộng đồng quốc tế và người ta băn khoăn tự hỏi liệu đây là sự phát triển tích cực hay tiêu cực.
 Sự trỗi dậy của con rồng Trung Quốc tạo ra nhiều phản ứng trái ngược khác nhau trong cộng đồng quốc tế.

Dư luận một số nước (đặc biệt là ở các quốc gia Hồi giáo) nói chung chào đón sự thay đổi cân bằng quyền lực toàn cầu, dư luận một số nước khác lại tỏ ra quan ngại, ở Châu Âu lẫn Châu Á.

Nhìn chung, nếu xét riêng về mặt kinh tế, dư luận quốc tế có xu hướng chào đón sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu soi vào sức mạnh quân sự đang lên của nước này, cộng đồng quốc tế phần lớn tỏ ra e ngại. Thậm chí, nhiều quốc gia còn “mất ăn mất ngủ”.

Bắc Kinh cho rằng, cộng đồng đã hiểu lầm về ý định của Trung Quốc trên cương vị một cường quốc đang lên. Và Chủ tịch Tập Cận Bình dường như nhận ra rằng, nhận thức trên  ngày càng trở nên trầm trọng hơn bởi lỗ hổng lớn trong quyền lực mềm toàn cầu của Trung Quốc.

Trên thực tế, Bắc Kinh, trong những năm gần đây đã đầu tư nhiều tỷ đô la để giành lấy sự chú ý và thiện cảm của cộng đồng quốc tế. Họ cũng đã đạt được một số thành tựu đáng kể như Thế vận hội 2008. Tuy nhiên, “quyền lực mềm” của con rồng châu Á tăng không tương xứng với “sức mạnh cứng” của nước này (sức mạnh kinh tế và quân sự).

Điều đó chắc chắn khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh đau đầu khi phải đối mặt với thái độ nghi ngờ quốc tế, mối e ngại và thậm chí, thù địch mạnh mẽ ở một số quốc gia nước ngoài đối với đất nước mình.

Ở châu Á, nước láng giềng Nhật Bản đang tích cực củng cố và tăng cường các liên minh, đặc biệt là với Hoa Kỳ, để cân bằng với Trung Quốc.

Nhận thức được thiếu hụt quyền lực mềm đáng kể của Trung Quốc là lý do chính giải thích vì sao Chủ tịch Tập Cận Bình đặt trọng tâm vào việc phát triển “quan hệ nước lớn kiểu mới” với Mỹ.

Trong thực tế, Chủ tịch Trung Quốc đang tìm cách tăng cường các cam kết từ lâu của Bắc Kinh để đảm bảo trỗi  dậy hòa bình, hài hòa và trở thành một thành viên có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế.

Nếu thực sự muốn thay đổi hình ảnh, Trung Quốc cần phải vượt qua không ít thách thức. Trong khi con rồng châu Á sở hữu một nền văn hóa lâu đời đồ sộ, độc đáo và được cộng đồng quốc tế ngưỡng mộ, các hành vi và thái độ của nó lại khiến người ta phải trăn trở, nghi ngờ.

Sức mạnh quân sự đang lên nhanh chóng của Trung Quốc khiến cộng động thế giới không khỏi e ngại.

Do đó, một trong những lý do chính tạo nên sự thành công của Thế vận hội 2008 xuất phát từ cách thức mà văn hóa Trung Quốc được phô diễn trước cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, không lâu sau đó, Trung Quốc đánh mất đi phần lớn “quyền lực mềm” vì cách giải quyết độc đoán, cứng rắn các vấn đề Tây Tạng và Tân Cương.

Thách thức lớn thứ 2 đối với Trung Quốc là các nỗ lực củng cố và gia tăng quyền lực mềm của Trung Quốc lại phụ thuộc quá nhiều vào các chiến lược định hướng công chúng của nhà nước. Điều này trái ngược hoàn toàn với nhiều quốc gia sở hữu quyền lực mềm mạnh nhất như Mỹ, khi mà sự quyến rũ của họ đối với các “khán giả quốc tế” đến từ khu vực kinh tế tư nhân hoặc xã hội dân sự phong phú và sôi động.

Hình ảnh tương phản trên cho thấy Bắc Kinh đã không nhận thức đủ về tầm quan trọng của các chương trình ngoại giao công chúng để tiếp cận với dư luận nước ngoài một cách trực tiếp. Thay vì giành lấy “những trái tim và khối óc” bằng cách này, Bắc Kinh có xu hướng tập trung vào cải thiện quan hệ với các chính phủ quan trọng về chiến lược, đặc biệt ở châu Phi và Trung Đông, thông qua các chương trình hỗ trợ có thể không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích cho người dân địa phương.

Thông qua những điểm đã nêu trên, các thách thức đối với Trung Quốc rõ ràng ở mức độ sâu rộng và sẽ là quá nhiều để kỳ vọng một cuộc gặp thượng đỉnh có thể giải quyết hết thảy. Trên thực tế, việc tăng cường và nâng cao uy tín của Trung Quốc là một nhiệm vụ và sứ mệnh thế hệ thực sự đòi hỏi phải duy trì và đẩy mạnh không chỉ sự đầu tư liên tục mà còn sự thay đổi căn bản trong suốt nhiệm kỳ của Chủ tịch Tập Cận Bình.

TIN LIÊN QUAN

ĐANG ĐỌC NHIỀU
Bạch Dương

Bình luận(0)