Những điều bất thường của Thượng đỉnh Trung-Mỹ

Google News

(Kiến Thức) - Quan hệ Trung-Mỹ vẫn còn đầy chông gai và khiến cho cuộc gặp thượng đỉnh Obama-Tập Cận Bình sắp tới đầy rẫy những sự bất thường.

 Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama.

Theo thỏa thuận, hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Obama có cuộc gặp gỡ thượng đỉnh đầu tiên vào ngày 5 hoặc 6 tháng 9/2013 bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Seint Peterburg, Nga. Nhưng do tình hình khu vực và quốc tế cũng như quan hệ hai nước đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp khôn lường nên cuộc gặp gỡ được tiến hành từ 6 -7/6/2013, sớm hơn dự định 3 tháng ngay sau khi ông Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm chính thức ba nước Mỹ Latinh là Trinidad & Tobago, Costs Rica và Mexico từ 31/5 tới 6/6/2013.

Những điểm khác thường

Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên Obama-Tập Cận Bình này cũng có nhiều điểm khác thường so với trước đây.

- Một là Tập Cận Bình tuy thăm Mỹ hai ngày, nhưng là “chuyến thăm làm việc”, chứ không phải “chuyến thăm chính thức”. Quan chức ngoại giao Trung Quốc ngày 21/5/2013 cho biết đây là cuộc “gặp gỡ làm việc, nên không tổ chức đón tiếp theo các thủ tục và nghi thức ngoại giao”. Nhìn lại lịch sử gặp gỡ thượng đỉnh đầu tiên hai nước cho thấy: Chuyến thăm Mỹ và gặp gỡ thượng đỉnh của Giang Trạch Dân cũng như Hồ Cẩm Đào với Tổng thống Mỹ đều diễn ra rất long trọng theo nghi thức đón tiếp ngoại giao cao nhất.

 Chủ tịch Tập Cận Bình gặp Tổng thống Obama trong “chuyến thăm làm việc”, chứ không phải “chuyến thăm chính thức”.

Nhưng chuyến thăm và gặp gỡ thượng đỉnh này diễn ra trong bầu không khí thầm lặng. Một số dư luận cho rằng Tập Cận Bình là người thuộc phái “thực dụng”, nên coi trọng công việc hơn là nghi thức. Hơn nữa, quan hệ hai nước thời gian qua gặp phải quá nhiều vấn đề bất ổn, nên cần đơn giản một số thủ tục ngoại giao để dành nhiều thời gian thảo luận. Tuy nhiên, dư luận một số khác cho rằng “Thiên triều Trung Quốc” từ trước tới nay rất chú trọng nghi thức, lễ nghi, nên cuộc gặp đầu tiên phải long trọng, nghi thức đón tiếp phải cao nhất để tôn vinh không chỉ là người lãnh đạo mà cả nước Trung Hoa trước thế giới. Nhưng cuộc gặp gỡ này trầm lặng cho thấy phía Trung Quốc rất bức bách muốn giải quyết vấn đề bất chấp nghi thức ngoại giao.

- Hai là cuộc gặp này không diễn ra tại Thủ đô Washington mà được tiến hành tại Trại Mirage, Cailifornia. Đây vốn là dinh thự tư nhân của Walter Annenberg được xây dựng từ năm 1966, có tên Sunnyland. Năm 2002 ông Annenberg qua đời, tiếp đó năm 2009, bà Anneberg cũng qua đời, nên khu biệt thự này chuyển giao cho Quỹ Anneberg quản lý. Do vị trí này yên tĩnh, nên nhiều quan chức cấp cao của Mỹ và các nước từng tới đây vừa nghỉ ngơi tĩnh dưỡng vừa làm việc. Đây cũng là nơi nghỉ ngơi tĩnh dưỡng của các nhân vật nổi tiếng trong làng điện ảnh và thể thao thế giới.

Địa điểm gặp gỡ thượng đỉnh cũng là nơi hẻo lánh, xa thủ đô và là nơi công cộng, so với các cuộc gặp gỡ trước đây rõ ràng không long trọng.

- Thứ ba, lịch sử gặp gỡ thượng đỉnh Trung- Mỹ cho thấy: ông Giang Trạch Dân lên nắm quyền tháng 3/1993, nhưng 4 năm sau mới thăm Mỹ vào tháng 10/1997. Ông Hồ Cẩm Đào lên nắm quyền tháng 3/2003, nhưng phải 3 năm mới thăm Mỹ vào tháng 4/2006.

Còn Chủ tịch Tập Cận Bình ngay khi được bầu làm Phó chủ tịch nước năm 2011 đã có chuyến thăm Mỹ vào tháng 2/2012. Nếu tính từ tháng 2/2012 chỉ sau hơn một năm ông đã hai lần thăm Mỹ. Hơn nữa chuyến thăm Mỹ đầu tiên trong cương vị lãnh đạo cao nhất Trung Quốc của ông Tập Cận Bình  với Tổng thống Obama diễn ra “không kèn không trống”. Đây là điều hiếm thấy trong quan hệ hai nước. Ngay sau khi đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, Obama thăm Thái Lan, Mianma và Campuchia (17/11 – 20/11/2012), tiếp đó đi thăm Trung Đông, Châu Phi, nhưng lại “phớt lờ thăm Trung Quốc” . Bởi vậy, dư luận cho rằng, nhìn từ góc độ ngoại giao thì “Thiên Triều xem ra yếu thế hơn chú Sam”.

Vì sao ông Tập nôn nóng gặp Tổng thống Obama?

Hiện dư luận các nước đều đặt câu hỏi “Vì sao, lãnh đạo Trung Quốc lại nôn nóng muốn gặp gỡ Obama tới như vậy?”

Theo các nhà nghiên cứu thế giới, chủ yếu do những nguyên nhân sau:

- Một là vấn đề bán đảo Triều Tiên và tình hình căng thẳng ở khu vực Đông Bắc Á thời gian qua đã tạo điều kiện cho Mỹ lấn sâu hơn vào Châu Á-Thái Bình Dương làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của Trung Quốc trong khu vực. Nguy cơ đối đầu Trung-Mỹ tăng lên.

Dư luận các nước cho rằng “Cái dằm Bắc Triều Tiên” thời gian qua đã làm phía Trung Quốc nhức nhối. Tạp chí “Tiền Tiêu” ở Hồng Công số ra ngày 24/4/2013 cho biết khi nói chuyện nội với cán bộ cấp cao Trung Quốc, TBT Tập Cận Bình nói: “ Tình hình bán đảo Triều Tiên hiện cũng thành vấn đề. Bắc Triều Tiên đang chơi con bài thử nghiệm vũ khí hạt nhân, nhưng lại  ‘liếc mắt đưa tình’ có ý đồ bắt tay với Mỹ... Đối với Triều Tiên hiện nay, chúng ta vẫn viện trợ như trước đây, nhưng điều chúng ta lo ngại là họ bắt cá hai tay, ăn cả hai đầu”.

Điểm nóng “bán đảo Triều Tiên” đã tạo điều kiện thuận lợi cho Mỹ thực hiện “chiến lược trở lại Châu Á – Thái Bình Dương”, đối đầu Trung-Mỹ tăng lên.

- Hai là vừa qua phía Trung Quốc đưa ra chiêu bài mới là xây dựng “quan hệ nước lớn kiểu mới” Trung -Mỹ. Khi tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 13/4/2013 tại Bắc Kinh, Ông Tập Cận Bình nêu ra “ba tiêu chí” cho mối quan hệ này, gồm 1-Bình đẳng tin cậy lẫn nhau. 2-Bao dung, nhìn nhau cùng tiến. 3-Hợp tác cùng thắng lợi. Dư luận Mỹ cho rằng đây là nước cờ toàn cầu của Trung Quốc với Mỹ. Trung Quốc muốn hai nước phân chia ảnh hưởng ở cấp độ khu vực cũng như toàn cầu và yêu cầu Mỹ không “lấn sân” Trung Quốc ở Biển Đông và Đông Bắc Á.

 Cố vân An ninh Quốc gia Mỹ Tom Donilon sang Trung Quốc để chuẩn bị cho "chuyến thăm làm việc" của Chủ tịch Tập Cận Bình.

- Ba là, điểm lại sự phát triển hai bên trong 4 năm qua có tiến triển, nhưng cũng có nhiều mâu thuẫn trên tất cả các mặt. Duy trì và phát triển quan hệ hai nước ra sao thời gian tới là vấn đề quan trọng.

Buôn bán hai bên năm 2012 đạt gần 500 tỉ USD, nhưng thời gian qua Mỹ đã rút nhiều doanh nghiệp ra khỏi Trung Quốc do bị hacker tấn công làm thiệt hại gần 300 tỉ USD. Điều này làm Kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Vì vậy, Trung Quốc muốn Mỹ giảm bớt sức ép về kinh tế thời gian tới.

Dư luận cho rằng tuy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung tiến hành ở “Dinh thự đầy ánh sáng”, nhưng quan hệ song phương hiện đang bị mây đen che phủ.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Kiều Tỉnh

Bình luận(0)