10 “điểm nóng” trên thế giới năm 2013

Google News

(Kiến Thức) - Tổng thống Nga V.Putin nhận định, trong những năm tới, thế giới sẽ bước vào kỷ nguyên của những thay đổi căn bản và có thể cả những biến động địa - chính trị lớn.

Ai Cập vẫn còn bất ổn sau khi Tổng thống Mubarak bị lập đổ. 

Khủng hoảng kinh tế Mỹ và EU

Tháng 1/2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký phê chuẩn phương án giải quyết "vách đá tài chính" nhưng chưa thể hóa giải được tận gốc vấn đề tăng thuế của người giàu, cắt giảm thâm hụt ngân sách và nợ trần của Chính phủ. Ở châu Âu, cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực Eurozone sẽ buộc hàng loạt nước như Hy Lạp, Pháp, Italia, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha phải tiếp tục duy trì các biện pháp khắc khổ để từng bước phục hồi tăng trưởng. 

Syria

Năm 2013 sẽ là thời điểm có ý nghĩa quyết định cuộc xung đột ở Syria, thậm chí là sự tồn tại của Syria như một quốc gia có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Trong khi đó, thông tin về cuộc chiến tranh ở Syria đầy mâu thuẫn, mù mờ, khiến dư luận khó có thể biết được chính xác đâu là nguyên nhân, đâu là giải pháp cần tháo gỡ. 

Ai Cập

"Kỷ nguyên hậu Mubarack" sẽ tiếp tục bất ổn, trong đó nổi lên vai trò của các nhà lãnh đạo theo đuổi đường lối Hồi giáo hóa xã hội đang nỗ lực lôi kéo sự ủng hộ của những người theo chủ nghĩa thế tục. Do đó, một chính phủ Hồi giáo hóa quyết đoán hơn hình thành ở Ai Cập và chắc chắn sẽ làm phức tạp các mối quan hệ với Israel, Mỹ và các nước Tây Âu. 

Iran

Năm 2013 có thể chứng kiến ngày càng có nhiều nước tham gia chiến dịch cấm vận kinh tế mạnh mẽ đối với Iran, trước hết là Mỹ. Cuộc bầu cử tổng thống ở Iran trong năm 2013 sẽ tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định trong bối cảnh quốc gia này đang là điểm ngắm của Mỹ và các nước phương Tây dưới danh nghĩa "ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân", thậm chí Iran có thể bị Israel và Mỹ tấn công quân sự. 

Pakistan

Ngày 15/01/2013, Tòa án tối cao Pakistan đã ra lệnh bắt giữ Thủ tướng Raja Pervez Ashraf trong khi hàng chục ngàn người biểu tình chiếm đóng các đường phố ở Islamabad trong suốt 2 ngày, đòi Chính phủ từ chức. Các sự kiện ở Pakistan đã bắt đầu phát triển theo kịch bản "mùa xuân Arab".  

Myanmar

Năm 2013 có thể sẽ là năm cạnh tranh ráo riết giữa Trung Quốc với các cường quốc ở Myanmar - quốc gia có vị thế địa - chính trị quan trọng ở Đông Nam Á. Mới đây, Trung Quốc đã điều động binh sĩ, xe thiết giáp và các hệ thống quan sát tới khu vực biên giới giáp với Myanmar. Động thái khác thường này của Bắc Kinh cho thấy, Trung Quốc đang lo lắng về mối quan hệ ngày càng tăng giữa Myanmar với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước phương Tây khác có thể tạo sức ép lên cái gọi là "không gian chiến lược" của Bắc Kinh tại quốc gia Đông Nam Á này. 

Đông Bắc Á

Trong năm 2013, với nguyên thủ quốc gia mới ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Hàn Quốc, có thể xung đột địa - chính trị ở khu vực này sẽ bớt nóng hơn. Tuy nhiên, đó có thể chỉ là "khoảng lặng giữa cơn bão" và Đông Bắc Á sẽ bùng phát căng thẳng hơn trong những năm tới nếu các bên không tìm được những khả năng nhân nhượng. Năm 2012, CHDCND Triều Tiên đã thử tên lửa và có thể trong năm 2013 họ sẽ thử hạt nhân, sẽ đưa vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên nóng hơn bao giờ hết.

Venezuela

Nếu sức khoẻ của Tổng thống Hugo Chavez ngày càng tồi tệ, vấn đề chuyển giao quyền lực có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị. Mỹ và các nước phương Tây hiện đang gấp rút chuẩn bị "kịch bản khẩn cấp" cho Venezuela. 

Châu Phi

Mali đứng đầu trong danh sách các quốc gia bất ổn hiện đã rơi vào khủng hoảng và ngày 11/01/2013, Pháp đã mở "cuộc chiến chống khủng bố" ở Mali để "thúc đẩy tiến trình chính trị" nhằm tái thống nhất nước này. Nhiều nước khác ở châu Phi như Sudan, Libya, Tunisia cũng đang ở trong tình trạng bất ổn rất đáng lo ngại, khiến châu Phi có thể trở thành điểm nóng kéo dài trong nhiều năm tới. 

Trung Á

Trung Á hiện đang trên bờ vực khủng hoảng. Tajikistan bước vào năm 2013 với tình hình ảm đạm trong năm 2012. Quan hệ với Uzbekstan đang tiếp tục xấu đi và những tranh chấp nội bộ đang đe dọa củng cố những tham vọng ly khai tại khu vực Gorno-Badakhshan. Tình hình Kyrgyzstan cũng đang bất ổn do Chính phủ nước này chưa hóa giải được những căng thẳng sắc tộc.

TIN LIÊN QUAN:

ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Hương Ly

Bình luận(0)