2013 tiềm ẩn nguy cơ “đại” bất ổn của thế giới

Google News

(Kiến Thức) - Tình hình thế giới trong năm 2013 nhiều khả năng không mấy sáng sủa do cả ba khu vực quan trọng đều  tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn.

 Thế giới đối diện nhiều bất ổn trong năm Quý Tỵ.

Châu Á: Chiến lược “xoay trục” làm gia tăng căng thẳng

Châu Á đang phải đối mặt với nguy cơ ngày càng tăng về khủng hoảng kinh tế-xã hội và chiến tranh.

Chiến lược “xoay trục” sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ vô hình chung lại làm gia tăng căng thẳng địa chính trị ở khắp khu vực. Trong khi vẫn tăng cường các liên minh quân sự cũ, các nước châu Á lại tạo ra những đối tác chiến lược mới, thiết lập đồng minh mới và tái chạy đua vũ trang. Bằng cách khuyến khích các đồng minh bảo vệ những lợi ích của mình, trên thực tế, Mỹ đã kích động các điểm nóng trên toàn khu vực.

 Đối đầu giữa các tàu ở vùng biển Senkaku/Điếu Ngư xảy ra hầu như hàng ngày.

Từ tháng 9/2012, khi Nhật Bản quốc hữu hóa ba hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, tàu của họ và Trung Quốc- và hiện thời là máy bay - đã nhiều lần đối đầu trong các vùng lãnh hải và không phận tranh chấp. Chỉ một vụ đụng độ nhỏ nhất cũng có nguy cơ biến thành một cuộc xung đột liên quan đến ba nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy vẫn nói là trung lập trong cuộc tranh chấp lãnh thổ này, song các nhà lãnh đạo Mỹ vẫn nhiều lần khẳng định rằng nếu xảy ra xung đột, Mỹ sẽ sát cánh với Nhật Bản.

Chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản đã đưa Thủ tướng Shinzo Abe lên cầm quyền. Từ đó, Chính phủ Abe đã thông báo tăng chi phí quân sự, các lực lượng Nhật Bản xung quanh các hòn đảo đang tranh chấp và tấn công ngoại giao để củng cố các mối quan hệ kinh tế và chiến lược ở Đông Nam Á. Philippines đã nhanh chóng thông báo hợp tác chặt chẽ hơn với Nhật Bản và công khai ủng hộ một “Nhật Bản hùng mạnh hơn về quân sự” để đối trọng với Trung Quốc.

Các nền kinh tế châu Á đang bị ảnh hưởng bởi sự trì trệ của các thị trường xuất khẩu châu Âu và Mỹ. Tỷ lệ tăng trưởng ở Trung Quốc giảm mạnh vào năm 2012, từ 10,4% xuống còn 7,7% và ở Ấn Độ từ 8,9% xuống còn 5,5%. Nhật Bản một lần nữa lại rơi vào tình trạng suy thoái.

Với việc Trung Quốc tăng mạnh ngân sách quốc phòng, chi phí quân sự trong toàn khu vực đã lập tức bị kéo theo. Theo Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, chi phí quân sự của châu Á vượt chi phí quân sự của châu Âu. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc lên tới 89,9 tỷ USD, Nhật Bản 58,2 tỷ USD và Ấn Độ 37 tỷ USD. Các nước Đông Nam Á cũng tăng chi phí quốc phòng thêm 13,5% lên 24,5 tỷ USD.

Trong hai thập kỷ qua, sự sụp đổ của Liên Xô, sự mạnh lên ở Trung Quốc và bước ngoặt của Ấn Độ hướng tới một chính sách mới, đã tạo ra các tầng lớp tinh hoa tư bản đầy tham vọng tìm kiếm vị trí riêng của mình trong trật tự đế quốc, tăng cường cạnh tranh khu vực và làm gia tăng nguy cơ về một cuộc xung đột hạt nhân.

Trung Đông: “Mùa xuân Arập” biến thành "Mùa hẻ nóng bỏng"  

Những ảo tưởng ngây thơ về “Mùa xuân Arập” đã tan biến. Năm 2013 đã bắt đầu bằng việc triển khai 6 bệ phóng tên lửa Patriot ở dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, kèm theo gần 1.200 quân bổ sung cho hàng trăm nghìn quân khác đã đóng ở Bahrain, Qatar, Các Tiểu vương quốc A rập Thống nhất (UAE), Kuwait, Lebanon, Jordan và Israel, cũng như các lực lượng đặc biệt và cơ quan tình báo trên lãnh thổ Syria. 17 tàu chiến của Mỹ, Anh và Pháp túc trực ở ngoài khơi bờ biển Syria. Quân đội phương Tây ở đó để yểm trợ cho bất kỳ cuộc can thiệp nào của Thổ Nhĩ Kỳ và các nền quân chủ vùng Vịnh. 

 Âm mưu lật đổ chế độ Assad là một điểm mấu chốt trong những nỗ lực lâu dài của Mỹ.

Âm mưu lật đổ chế độ Assad là một điểm mấu chốt trong những nỗ lực lâu dài của Mỹ nhằm đảm bảo bá quyền ở  Trung Đông. Với mục đích này, Mỹ bênh vực phe đối lập Syria trong khi vẫn ủng hộ các đồng minh ở Bahrain, Yemen, Saudi Arabia… trấn áp phe đối lập. Mỹ đang làm tất cả để các chế độ này trở nên phụ thuộc vào Mỹ cả về quân sự lẫn chính trị.

Không một nước nào ở khu vực Trung Đông không phải đối mặt với làn sóng chống đối ngày càng tăng ở trong nước. Cơn ác mộng bè phái đã hiển hiện ở Syria và có thể sẽ lặp lại ở Iraq, Jordan, Lybia, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ. Ai Cập, với gần 25% trong tổng số 80 triệu dân đang sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ và lạm phát gia tăng, đang là bức tranh tiêu biểu nhất cho sự thụt lùi của đại đa số các quốc gia trong khu vực rất giàu tài nguyên này trong mấy năm gần đây.

“Thập kỷ chiến tranh” ở châu Phi

Cuộc can thiệp của Pháp vào Mali, tiếp theo là vụ bắt cóc con tin đẫm máu ở Algeria… là một bước ngoặt trong cái được coi là một “làn sóng mới” của các đế quốc đổ xô vào châu Phi. Các cường quốc tìm cách phân chia lại thế giới, lãnh thổ, thị trường và các nguồn tài nguyên. Nhiều dấu hiệu cho thấy chiến dịch "tái thực dân" đối với châu Phi sẽ còn đẫm máu hơn và tàn bạo hơn so với quá trình thực dân hóa đầu tiên ở châu Phi. Cũng như trong cuộc chiến tranh Libya, Pháp đã lên tuyến đầu trong cuộc can thiệp vào Mali, cùng với các cường quốc khác.

 Pháp dẫn đầu trong cuộc can thiệp vào Mali.

Lúc đầu, chính quyền Mỹ có thái độ khá thận trọng đối với các sự kiện đang diễn ra ở Mali nhưng với cuộc khủng hoảng con tin ở Algeria, trong đó có ba người Mỹ thiệt mạng, ngay lập tức, Washington đã thể hiện rõ ràng hơn những ý định can thiệp vào các sự kiện ở Mali và vùng Tây Phi nói chung.

Trong lễ nhậm chức nhiệm kỳ hai Tổng thống Obama đã tuyên bố: “Một thập niên chiến tranh đang kết thúc” nhưng trớ trêu thay, tuyên bố ấy được đưa ra chỉ một ngày sau khi Thủ Tướng Anh Cameron cảnh báo rằng đó là sự bắt đầu một thập niên chiến tranh mới ở châu Phi.

Giới phân tích chú ý đến một thực tế là hiện nay nhân loại đang bước vào một kỷ nguyên mang tính lịch sử mà ở đó mỗi cuộc chiến tranh mới đều gây ra cuộc chiến tranh tiếp theo: Libya, Syria và hiện nay là Mali, trong vòng chưa đầy hai năm.

Có một thực tế là sau khi Trung Quốc trở thành đối tác thương mại, đầu tư lớn nhất và quan trọng nhất của châu Phi, Mỹ và các cường quốc phương Tây đang hướng tới một sự can thiệp về quân sự làm phương tiện để bù vào sự suy giảm kinh tế và lấy lại những gì  đã mất ở đây. Nhiều người lo ngại rằng nếu cứ đà này, các cuộc xung đột giành quyền thống trị châu Phi rất có thể sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới mới.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:



PP (theo tạp chí Al-Alam As-Siasiya)

Bình luận(0)