Sáu lý do khiến Mali trở thành “điểm nóng” ở Tây Phi

Google News

(Kiến Thức) – Mali, một trong những nước nghèo nhất ở châu Phi, đang trở thành một “điểm nóng” thu hút sự quan tâm chú ý của thế giới.

Mali “đất rộng, người thưa” là một trong những nước nghèo nhất ở châu Phi, với phần lớn diện tích là sa mạc. Trong những ngày qua, quân đội Pháp đã phải tác chiến ở Mali để ngăn chặn các chiến binh Hồi giáo tấn công thủ đô Bamako. Sau những cuộc không kích dữ dội vào các thành trì của phiến quân, bộ binh Pháp cùng với quân lính Mali đang tiến về phía Bắc.

Có 6 lý do khiến Mali trở thành vùng đất thường xảy ra chiến sự:

1) Thực trạng và vị trí địa lý

Không có nhiều dầu mỏ, Mali chỉ là miền đất nghèo nàn nhưng lại lớn gần gấp đôi nước Pháp và có tới 7 nước láng giềng.

Hầu hết các quốc gia láng giềng từ Algeria ở phía Bắc Mali đến Bờ Biển Ngà ở phía Nam đều bị ảnh hưởng bởi bạo lực, chủ nghĩa cực đoan, bất ổn.

Ở phía Tây, Mauritania đang phải đối mặt các chiến binh Hồi giáo liên kết với al-Qaeda. Nước láng giềng Niger ở phía Đông cũng thường xuyên phải đối mặt với các cuộc nổi loạn của người Tuareg li khai.

Ở phía Bắc, Algeria cũng bị al-Qaeda gây rối. Hồi những năm 1990, các cuộc bạo loạn Hồi giáo đã khiến cho ít nhất 100.000 người Algeria bị thiệt mạng. Hiện thời, các chiến binh Hồi giáo vẫn đang hoạt động ở vùng núi phía Đông Algeria và ở vùng sa mạc giáp giới Mali, nơi các đoàn xe quân sự  bị phục kích nhiều lần. Nhằm ngăn chặn các chiến binh Hồi giáo cực đoan xâm nhập, Algeria đã đóng cửa biên giới với Mali và triển khai khoảng 30.000 quân đến các khu vực biên giới.

Điều đặc biệt khiến Mali trở thành nơi thường xảy ra các cuộc xung đột là do nước này nằm trên các tuyến đường buôn lậu béo bở nhất từ châu Phi tới châu Âu - tuyến đường mà các chiến binh Hồi giáo “đã biến chúng thành cái máy rút tiền”.
 
2) Tình trạng vô chính phủ

 Lính Mali đang canh gác tại căn cứ.

Tình trạng vô chính phủ ở Mali khiến cho các phần tử cực đoan và các nhóm tội phạm thả sức hoành hành. Người dân bị đẩy vào bước đường cùng và rơi vào vòng tay của các nhóm chiến binh Hồi giáo như Al-Qaeda  Maghreb (AQIM), Phong trào Thánh chiến và Thống nhất Tây Phi (MUJAO), Ansar Dine và Boko Haram.

Cuộc khủng hoảng Mali bắt đầu từ cuộc nổi loạn nổ ra hồi tháng Giêng năm ngoái và trở nên căng thẳng hơn khi quân đội Mali cấu kết với các phần tử Hồi giáo cực đoan tiến hành một cuộc đảo chính. Vào thời điểm đó, miền Bắc Mali đã trở thành "vùng lãnh thổ lớn nhất thế giới do các phần tử Hồi giáo cực đoan kiểm soát”, như lời Thượng nghị sĩ Mỹ Christopher Coons, chủ tịch Tiểu ban Đối ngoại Thượng viện về các vấn đề châu Phi.

3) Sản sinh các chiến binh thánh chiến

Cuộc chiến Mali có nguy cơ lớn nhất là sẽ sản sinh ra các chiến binh thánh chiến. Khi bạo loạn ngày càng gia tăng ở Mali, nhiều người dân bần cùng ở nước này dễ bị rơi vào vòng tay thánh chiến.
Nguy hiểm hơn là các những phần tử cực đoan trong số 5 triệu người Hồi giáo ở Pháp luôn tìm cách trả đũa sự can thiệp của Pháp ở Mali. Cách đây chưa đầy một năm, đã xảy ra vụ một chiến binh Hồi giáo trẻ xả súng bắn chết 7 người ở Toulouse (Pháp).

4) Linh hồn Hồi giáo

Cách đây 12 năm, Mali là một trong 6 quốc gia đang phát triển được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G8 ở Italy và có hệ thống chính quyền ổn định. Người dân Mali vẫn nổi tiếng về đức khiêm tốn và lòng khoan dung. Nước này có nền lịch sử hết sức phong phú và là một trong những trung tâm trí tuệ của Hồi giáo.

Thành phố Timbuktu (đôi khi được gọi là thành phố của 333 vị thánh) là một trung tâm giáo dục và tôn giáo trong thế kỷ XV và XVI. Nó có một thư viện chứa bộ sưu tập vô giá các tài liệu và sách Hồi giáo. Nhiều ngôi mộ và nhà thờ Hồi giáo được UNESCO công nhận Di sản thế giới, thu hút các học giả và khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.

5) Khủng hoảng nhân đạo

Có ít nhất 150.000 người Mali tị nạn tại các nước láng giềng, trong đó hơn 50.000 người sống trong một trại tị nạn ở Mauritania, nơi suy tình trạng suy dinh dưỡng và các căn bệnh sốt rét, tiêu chảy đang giết dần giết mòn trẻ nhỏ. Ngoài ra, khoảng 200.000 người Mali đã phải chạy về phía Nam để trốn tránh sự cai trị hà khắc của các phần tử Hồi giáo cực đoan.
Nếu xung đột không nhanh chóng kết thúc và thiếu viện trợ nhân đạo kịp thời, thế hệ trẻ Mali sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, dẫn tới việc cạn kiệt nguồn nhân lực tương lai của đất nước.

6) Phép thử quốc tế

 Quân lính Pháp chuẩn bị cho chiến dịch ở thủ đô Bamako, Mali.

Chiến sự ở Mali hiện là một phép thử đối với quyết tâm quốc tế chống phiến quân Hồi giáo cực đoan ở châu Phi.

Mỹ không thể giúp huấn luyện quân đội Mali trừ phi chính phủ nước này được bầu hợp pháp và hoạt động hữu hiệu. Tuy nhiên, Mỹ sẽ cung cấp thông tin tình báo vệ tinh cho Mali. Trước tình hình chiến sự leo thang ở Mali, các nước như Anh, Bỉ, Đức và cả Mỹ hứa hẹn sẽ hỗ trợ cho lực lượng Pháp và Mali tiến về phía Bắc, đánh đuổi phiến quân Hồi giáo.

Tuy nhiên, khả năng hợp đồng tác chiến Pháp-Mali bị hạn chế do không được huấn luyện chung, do khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ. Pháp hiện có khoảng 800 binh sĩ tại Mali và có kế hoạch tăng quân lên lên 2.500 binh sĩ trong mấy tuần tới.  
Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) cũng quyết định gửi 3300 binh sĩ tới Mali, nhưng hiện thời chỉ có khoảng 100 binh sĩ  ECOWAS có mặt ở nước này theo kế hoạch can thiệp được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn. ECOWAS kêu gọi Liên Hiệp Quốc hỗ trợ khẩn cấp về tài chính và hậu cần cho các lực lượng của khu vực Bắc Mali nhằm chống lại lực lượng Hồi giáo cực đoan và cũng kêu gọi các nước thành viên cam kết góp quân nhanh chóng “biến lời nói thành hành động”.

TIN LIÊN QUAN:
Nguyên Thảo (theo CNN)

Bình luận(0)