10 điểm nóng trên thế giới trong năm 2013

Google News

Trong năm 2013, các điểm nóng cũ và mới sẽ tạo ra thách thức đối với an ninh toàn cầu. 

 Châu Phi là nơi xảy ra nhiều  xung đột 

Sau đây là danh sách của Nhóm Khủng hoảng quốc tế (ICG) về 10 nguy cơ an ninh quốc tế hàng đầu trong năm 2013.

1. Sudan 

Vấn đề Sudan không được giải quyết bằng sự ly khai của Nam Sudan trong năm 2011. Cuộc nội chiến, do việc tập trung quyền lực và các nguồn lực vào trong tay một nhóm nhỏ thao túng quyền lực, tiếp tục tàn phá và đẩy quốc gia châu Phi này đến gần sự tan rã hơn nữa. Lối thoát lâu dài duy nhất là một giải pháp toàn diện, đưa tất cả các bên tại Sudan ngồi vào bàn đàm phán để cải tổ hệ thống quyền lực tại quốc gia rộng lớn này.

2. Xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và PKK

Thời tiết lạnh giá tại khu vực vùng núi trong mùa đông đang cản trở chiến sự của cuộc nổi dậy kéo dài nhiều thập kỷ do Đảng Công nhân người Kurd (PKK) phát động, song tình hình có vẻ như sẽ tồi tệ hơn trong năm 2013. Căng thẳng chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tăng lên, khi phong trào hợp pháp của người Kurd là Đảng Hòa bình và Dân chủ (BDP) ngày càng có lập trường ủng hộ PKK hơn.

3. Afghanistan 

Do đang sa lầy trong chủ nghĩa phe phái và tham nhũng, Chính phủ Afghanistan hầu như chưa sẵn sàng đảm nhận việc tự đảm bảo an ninh khi các lực lượng Mỹ và NATO rút đi vào năm 2014. Trong khi đó, quan hệ giữa Kabul và Washington đã tiếp tục xấu đi trong năm 2012.

4. Pakistan 

Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tiếp tục gây căng thẳng giữa Mỹ và Pakistan trong năm 2012. Với các cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong năm 2013, chính phủ và phe đối lập Pakistan phải thực thi ngay những cải cách chủ chốt đối với ủy ban bầu cử để củng cố tiến trình chuyển tiếp sang dân chủ của nước này. Các cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Pakistan, cũng như những hệ quả mà thiên tai để lại, như nạn lụt ba năm liên tiếp, cũng đòi hỏi sự quan tâm khẩn cấp của trong nước và quốc tế.

5. Khu vực Sahel châu Phi, trong đó có Mali và Nigeria 

Bất ổn tại khu vực Sahel đang tăng lên và những nỗ lực nhằm ngăn chặn xu hướng này sẽ là ưu tiên trong chương trình nghị sự của nhiều quốc gia trong năm 2013. Mali đứng đầu trong danh sách các quốc gia tiềm ẩn nhiều nguy cơ khủng hoảng. Nhiều khả năng trong năm 2013, quốc tế tiến hành can thiệp tại Mali và thúc đẩy tiến trình chính trị nhằm tái thống nhất nước này. Nhiều người cũng đang quan ngại về cuộc xung đột ở phía Bắc Nigeria, nơi nhóm Hồi giáo quá khích Boko Haram đã gây ra cái chết cho hàng nghìn người trong những năm gần đây. Năm 2013 có thể trở thành một năm đẫm máu nữa ở miền Bắc Nigeria. 

6. Cộng hòa Dân chủ Congo 

Cuộc nổi loạn ở phía Đông Cộng hòa Dân chủ Congo của phiến quân M23 đang khiến nhiều người dân thiệt mạng. Các vụ vi phạm nhân quyền quy mô lớn, các vụ hành hình không qua xét xử khiến nhiều người dân địa phương buộc phải sơ tán.

7. Kenia 

Bất chấp những cải cách nhằm giải quyết những thiếu sót và tình trạng bạo lực của các cuộc bầu cử năm 2007, nhiều nguyên nhân gây ra xung đột vẫn còn nguyên, như tỷ lệ thanh niên thất nghiệp, đói nghèo, bất bình đẳng cao, các cải cách ngành an ninh đã bị đình lại và những tranh chấp đất đai tiếp tục làm sâu sắc hơn sự phân cực sắc tộc. Giới phân tích cho rằng hiện đang có nguy cơ cao xảy ra bạo lực chính trị trước thềm các cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 3/2013.

8. Syria và Lebanon

Cuộc xung đột tại Syria đang tiếp tục có những bước ngoặt đáng quan ngại. Những giai đoạn ban đầu hậu Assad có thể sẽ mang lại những rủi ro lớn, không chỉ cho người dân Syria, mà cho cả khu vực. Cuộc nội chiến tại Syria đã tràn qua biên giới sang Liban do Beirut ít khi miễn nhiễm đối với ảnh hưởng của Damas.

9. Trung Á

Khu vực này có nhiều quốc gia đang nằm trên bờ vực khủng hoảng. Tajikistan bước vào năm 2013 với tình hình ảm đạm trong năm 2012. Quan hệ với Uzbekstan đang tiếp tục xấu đi, và những tranh chấp nội bộ đang đe dọa củng cố những tham vọng ly khai tại khu vực Gorno-Badakhshan. Tình hình Kyrgyzstan cũng không khá hơn do Chính phủ nước này tiếp tục phớt lờ những căng thẳng sắc tộc và vấn đề quy định luật pháp ở miền Nam. Trong khi đó, tình trạng vi phạm nhân quyền lan rộng và có hệ thống vẫn diễn ra tại Uzbekstan, và Kazakhstan dự kiến phải tiếp tục đối diện thêm một năm bạo lực mới.

10. Iraq 

Khi Syria đang rơi vào hỗn loạn, chiến tuyến đang được vạch ra tại Iraq. Chính phủ của Thủ tướng Nuri al-Maliki theo dòng Hồi giáo Shi'ite đã chọn đứng về phía Iran, Nga và Trung Quốc trong một nỗ lực nhằm tránh để các nước Sunni vùng Vịnh, cùng Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ định hình lại khu vực.

Song các nỗ lực nhằm tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội chống lại ông Maliki đều thất bại do sự chia rẽ sâu sắc của phe đối lập, khiến Thủ tướng Maliki có thể chỉ nắm quyền đến trước cuộc bầu cử năm 2014. Cuộc nội chiến tại Syria có thể làm trầm trọng thêm những căng thẳng tại Iraq và báo trước một năm 2013 đầy rẫy xung đột.

Theo Petrotimes/Ipolitics.ca

Bình luận(0)