Thời gian qua, quận cũng đã báo chủ tịch UBND TP và quyết định nếu kết thúc tuần này, nếu chủ đầu tư không thực hiện sẽ báo cáo TP để có biện pháp mạnh hơn như phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp này. Hoặc sẽ có biện pháp phá dỡ” - Bí thư Quận uỷ Ba Đình Hoàng Trọng Quyết đã nói như vậy tại Hội nghị giao ban trực tuyến của thường trực Thành ủy-HĐND-UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý II-2016, diễn ra sáng 24/6.
Ông Quyết cho hay về xử lý vi phạm công trình 8B Lê Trực, Quận ủy Ba Đình đã họp rất nhiều lần, đã báo cáo TP cũng nhiều lần. Đồng thời quận cũng đã quyết liệt yêu cầu chủ đầu tư phá dỡ và xử lý vi phạm tại đây. Nhưng gặp khó khăn do chủ đầu tư cố tình chây ì. “Tuy nhiên, với thẩm quyền của quận chưa đủ áp lực để yêu cầu chủ đầu tư. Chủ đầu tư đã gây nhiều khó khăn cho việc này. Chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc. Và nguồn tiền để thực hiện phương án phá dỡ, chủ đầu tư cố tình không đảm bảo. Vì vậy đơn vị phá dỡ không thực hiện” - ông Quyết nói.
|
Phá dỡ cao ốc 8B Lê Trực. |
Theo đó, ông Quyết đề nghị đến cuối tuần này, nếu chủ đầu tư không thực hiện nghiêm túc, quận sẽ báo cáo TP để có biện pháp mạnh hơn như “phong tỏa tài khoản hoặc ứng tiền ngân sách để tháo dỡ, sau đó yêu cầu đơn vị bồi hoàn”.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: “Không để chậm tiến độ phá dỡ nhà 8B Lê Trực. Nếu chủ đầu tư không cung ứng đủ chi phí thì quận sẽ ứng tiền để thực hiện công việc”. Ông Chung cũng cho biết hiện TP đang tiến hành đang rà soát lại toàn bộ công trình và dự án của Công ty CP may Lê Trực. Nếu chủ nếu không thực hiện nghiêm túc quyết định cưỡng chế, UBND TP sẽ cho dừng toàn bộ các dự án công trình. “Chúng tôi khuyến khích các nhà đầu tư để xây dựng và phát triển TP nhưng không khuyến khích các chủ đầu tư sai phạm” - ông Chung nhấn mạnh.
Sau gần bốn tháng, đến nay việc cưỡng chế cắt ngọn phần “xây lố” của cao ốc 8B Lê Trực (phường Điện Biên, quận Ba Đình) do chính quyền thực hiện mới chỉ phá dỡ được phần tum thang và khoảng 500 m2 mặt sàn trần tầng 19.
Tiến độ phá dỡ chỉ đạt khoảng 6 m2/ngày, chậm hơn so với tiến độ đề ra là 30-40 m2/ngày.
Nguyên nhân tiến độ cắt ngọn phần xây dựng sai phép của cao ốc 8B Lê Trực chậm là do một số người nhận là đã mua nhà ở dự án trên có dừng phá dỡ phần sai phạm vì cho rằng việc phá dỡ này ảnh hưởng đến những tầng bên dưới họ mua.
Đặc biệt là văn bản mới đây nhất của UBND quận Ba Đình (Văn bản số 620/UB-QLĐT ngày 10/5) gửi Sở Xây dựng TP Hà Nội thông báo việc gặp khó khăn trong thẩm tra, phê duyệt phương án phá dỡ giai đoạn 1 (tum và tầng 19) nhà 8B Lê Trực đã khiến việc phá dỡ phải tạm dừng một thời gian để chờ các cơ quan chuyên môn thẩm định lại độ an toàn của phương án “cắt ngọn” toà nhà đang được thực hiện.
Về việc này Sở Xây dựng đã có văn bản trả lời khẳng định: “Phương án phá dỡ đang thực hiện là có cơ sở. Các yếu tố về kỹ thuật trong phương án phá dỡ giai đoạn 1 (tầng 19) nhà 8B Lê Trực về cơ bản đã được giải quyết. Do vậy, biện lý do chậm phá dỡ do vấn đề kỹ thuật là không có cơ sở”.
Theo đó, Sở Xây dựng đã có văn bản yêu cầu UBND quận Ba Đình tiếp tục chỉ đạo, đốc thúc việc “cắt ngọn” phần xây dựng sai phép của cao ốc 8B Lê Trực.
Vào tháng 10/2015, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã kết luận toà nhà 8B - Lê Trực đã xây dựng chiều cao vượt giấy phép 16 m (tương đương năm tầng - từ tầng 15 - 19), đồng thời xây dựng không giật cấp đúng như hồ sơ thiết kế, với diện tích vượt quá giấy phép là hơn 6.000 m2. Sau đó, chủ đầu tư toà nhà đã đưa phương án và triển khai tự phá dỡ phần xây dựng sai phép từ ngày 21/11/2015, tuy nhiên tiến độ rất chậm.
Sở Xây dựng TP Hà Nội cho biết đến cuối tháng 12/2015, chủ đầu nhà 8B Lê Trực mới phá dỡ trung bình khoảng 10-15 m2/ngày. Tổng diện tích phá dỡ sàn mái tum mới được khoảng 120 m2. Theo đề xuất của Sở Xây dựng, đầu tháng 1/2016, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu quận Ba Đình thực hiện biện pháp cưỡng chế đối với phần xây dựng sai phép của toà nhà.