Khi được triển khai xây dựng Saigon One Tower được xem là dự án cao thứ 3 tại Tp.HCM (sau Bitexco Financial Tower 68 tầng; The One 55 tầng). Dự án được xây trên khu đất vàng 6.672,2 m2 ngay quận 1. Công trình cao 41 tầng cao, tổng diện tích sàn xây dựng vào khoảng 127.126 m2 (tính cả hầm khoảng 152.000 m2).
Trong đó, 6 tầng khối đế dành cho khu bán lẻ có diện tích 23.000 m2, khu văn phòng hạng A gồm 34 tầng có diện tích 49.000 m2, còn lại là khu căn hộ 133 căn. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 238 triệu USD (tương đương 5.000 tỷ đồng).
Thời điểm cuối năm 2011 khi dự án bị ngưng thi công, ước tính 80% khối lượng công việc đã hoàn thành. Những hạng mục công việc còn lại gồm: lắp kính phần còn lại bên ngoài tòa nhà, cơ điện (M&E), xây dựng vách ngăn, lát sàn... Hiện dự án đang bị xuống cấp, hệ thống thang máy, thang cuốn hỏng hóc, nhiều khối bê tông chuyển màu đen sì...
|
Dự án tọa lạc tại một vị trí đắc địa bật nhất TP HCM. |
Theo tìm hiểu, khu đất tại số 34 đường Tôn Đức Thắng, quận 1 trước đây do Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn quản lý sử dụng, sau đó góp vốn liên doanh bằng giá trị quyền sử dụng đất. Công ty liên doanh đã đầu tư xây dựng phần móng công trình của dự án, sau đó đối tác nước ngoài chuyển nhượng lại vốn góp cho Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (nay là Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn-TNHH Một thành viên) để thực hiện dự án theo hình thức 100% vốn đầu tư trong nước. Trong giá trị chuyển nhượng có phần vốn đầu tư phần móng công trình này.
Như vậy, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn là chủ đầu tư dự án tại số 34 Tôn Đức Thắng, quận 1 từ thời điểm tháng 10/2001 nên Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn kế thừa thời hạn sử dụng đất dự án đến ngày 14/8/2023 và trên khu đất này đã có tài sản là phần móng công trình dự án thuộc quyền sở hữu của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn.
Từ tháng 11/2001, sau khi Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn nhận chuyển nhượng vốn góp của đối tác nước ngoài trong Công ty Liên doanh Cột cờ Thủ Ngữ, chuyển thành dự án 100% vốn đầu tư trong nước, UBND TP HCM đã chấp thuận chủ trương cho phép Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn xúc tiến đàm phán với các đối tác (theo hình thức hợp tác giữa các đơn vị trong nước để lập dự án liên doanh mới) đầu tư khai thác mặt bằng khu đất.
Trên cơ sở chủ trương này, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn đã tìm kiếm đối tác và thỏa thuận, hợp tác với Công ty Cổ phần M&C và các đối tác khác để thành lập Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 4103002224 do Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cấp ngày 31/3/2004.
Tiếp theo đó, cổ đông tham gia vào dự án này bao gồm: Công ty Cổ phần M&C (49%), Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - Saigontourist (30%), Ngân hàng TMCP Đông Á (6%), Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (10%), Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (5%).
Tuy nhiên, tại Đại hội cổ đông thương niên năm 2016 của Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết theo định hướng chiến lược dài hạn, PNJ sẽ dần thoái vốn khỏi các khoản đầu tư ngoài ngành để tập trung toàn lực vào năng lực lõi.
Theo đó, trong năm 2015 PNJ đã hoàn tất việc thoái vốn khỏi Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C (2,62 triệu cổ phần, 65,4 tỉ đồng). Mặc dù không đem lại lợi nhuận như dự kiến nhưng cũng góp phần mang lại dòng tiền nhằm bổ sung kịp thời cho nguồn vốn lưu động.
Theo một đại diện ban giám đốc thuộc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist), đơn vị nắm 30% vốn của dự án, có 3 lý do khiến Saigon One Tower bất động trong nhiều năm qua. Trước hết là do các cổ đông chưa thu xếp được vốn để tiếp tục xây dựng. Thứ hai, việc ngừng thi công cũng là một cách giãn tiến độ để chờ thị trường hồi phục. Thứ ba, dự án gặp nhiều khó khăn trong công tác đền bù giải tỏa một phần diện tích nhỏ còn lại.
Còn nhớ, vào tháng 3/2015, nguyên chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên Môi trường và Thanh tra TPHCM làm việc với chủ đầu tư, yêu cầu cam kết tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện công trình đưa vào sử dụng vào cuối năm 2015. Nếu quá thời gian nêu trên mà dự án chưa hoàn thành, Sở Xây dựng TP báo cáo đề xuất trình UBND TP có biện pháp chế tài cụ thể theo đúng quy định pháp luật.
Tiếp đó, vào tháng 11/2015 chủ đầu tư dự án cao ốc Saigon One Tower đã bị Cục Thuế TP.HCM thông báo phong tỏa hóa đơn vì nợ thuế quá hạn hơn 4,6 tỉ đồng. Từ đó đến nay, UBND TP.HCM cũng tiến hành rất nhiều cuộc họp với nhiều đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn cho dự án này. Đến nỗi, mới đây lãnh đạo thành phố phải khẳng định rằng đây là một trong 3 dự án tọa lạc trên khu đất vàng trung tâm quận 1 đang làm xấu cả bộ mặt của TP.HCM.
|
Một chuyên gia kinh tế cũng cho rằng trong bối cảnh công ty M&C đang nợ “ngập đầu” bởi các khoản vay từ nhiều đối tác trong và ngoài nước, các nhà đầu tư tiềm năng cũng rất quan ngại khi muốn rót vốn vào đây. |
Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM 7 tháng năm 2017 và những tháng cuối năm, lãnh đạo thành phố cho biết dự án này đã có chủ đầu tư mới và sẽ tái khởi động xây dựng khoảng 20% hạng mục còn lại trong tháng 10 tới.
Theo thông tin vừa được Tập đoàn kiến trúc RSP (Singapore) công bố, cho thấy công ty này đang thực hiện dự án hoàn thiện công trình tòa cao ốc có vị trí chiến lược ở giao lộ đường Hàm Nghi và Võ Văn Kiệt của chủ đầu tư là Công ty CP phát triển Bất động sản Alpha King (Alpha King Real Estate Development JSC). Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết dự án này chính là Saigon One Tower - tòa cao ốc "trùm mền" nhiều năm qua.
Theo RSP, dự án này sẽ khởi động xây dựng lại, và dự kiến hoàn thành vào năm 2018 với điểm nhấn là một quán bar ngoài trời lớn nhất Việt Nam. Là một tổ hợp chung cư, văn phòng và thương mại cao cấp.
Công CP phát triển Bất động sản Alpha King Việt Nam có văn phòng ở số 8 Nguyễn Huệ quận 1 do ông Chan Ming Simon là người đại diện pháp luật, Tổng giám đốc là ông Cheung Clarence Leonard (đang sinh sống tại một căn hộ cao cấp thuộc dự án Winsor Plaza, quận 5). Các cổ đông chính là: Alpha King Investment Limited (trụ sở tại HongKong) giữ 93,3%, 2 cá nhân Li Yibin và Chiu Keung Kenneth nắm mỗi người 3,3%.
Tuy nhiên, trong khi dự án chưa được rục rịch triển khai thì mới đây Công ty quản lý tài sản (VAMC) đã ra văn bản về việc thu giữ tài sản bảo đảm là Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C nhằm mục đích xử lý, thu hồi nợ. Hiện nhóm khách hàng (bao gồm cả Sài Gòn One Tower) có tổng dự nợ (gốc và lãi) đến thời điểm hiện tại trên 7.000 tỷ đồng.
Theo VAMC việc thu giữ tài sản được thực hiện theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các Tổ chức tín dụng; Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19.7.2017 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20.7.2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc thực hiện Nghị quyết số 42.
Trước đó, VAMC đã ký Hợp đồng mua nợ với một số tổ chức tín dụng đối với khoản nợ của nhóm khách hàng bao gồm: Công ty CP Sài Gòn One Tower (trước đây là Công ty CP Địa Ốc Sài Gòn M&C); Công ty CP Đầu tư Liên Phát; Công ty CP Thương mại đầu tư và Xây dựng Minh Quân; Công ty CP Tân Superdeck M&C với tổng dư nợ (gốc và lãi) đến thời điểm hiện nay đã lên trên 7.000 tỷ đồng.
Mặc dù VAMC đã nhiều lần có văn bản đôn đốc, làm việc và yêu cầu nhóm khách hàng nêu trên thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên khách hàng không thực hiện và cũng không có phương án trả nợ khả thi.
|
Đây là một trong 3 dự án tại khu đất vàng trung tâm quận 1 mà Lãnh đạo TP HCM nhiều lần phản ánh đang làm xấu bộ mặt thành phố |
VAMC đã yêu cầu Công ty CP Sài Gòn One Tower bàn giao tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ bảo đảm đối với toàn bộ nghĩa vụ của các khách hàng gồm Công ty Cổ phần Sài gòn One Tower, Công ty CP Đầu tư Liên Phát, Công ty CP TV ĐT và XD Minh Quân, Công ty CP Tân Superdeck M&C. Đến nay, Công ty CP Sài Gòn One Tower vẫn không thực hiện bàn giao tài sản.
Vì vậy, VAMC đã triển khai thu giữ tài sản bảo đảm là Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C tại địa chỉ 34 Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP. HCM để xử lý nhằm thu hồi nợ. Quá trình thu giữ đã tuân thủ theo đúng trình tự quy định tại Điều 7 Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Trong quá trình thu giữ, VAMC đã nhận được sự phối hợp tích cực của các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương. Quá trình thu giữ tài sản bảo đảm đã diễn ra thuận lợi và đúng theo quy định của pháp luật.
Xác định đây là khoản nợ lớn, việc VAMC thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm sẽ góp phần triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 42 để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu và tài sản bảo đảm của nợ xấu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết 42, đồng thời mang tính cảnh báo đến các khách hàng có nợ xấu nhằm nâng cao ý thức trả nợ của khách hàng cho VAMC cũng như tổ chức tín dụng.