Trên cơ sở đó, khi phát hiện sai phạm thì sẽ xem xét, xử lý theo quy định. Vậy những dự án đất vàng nào sẽ lọt tầm ngắm của Bộ trưởng Bộ TNMT?
Giải trình trước Quốc hội tại phiên thảo luận sáng ngày 28/5, ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TNMT) thừa nhận có hiện tượng thất thoát giá trị đất đai trong định giá giá trị doanh nghiệp Nhà nước.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân chính là do các quy định pháp luật về đất đai chưa rõ ràng, phương án rà soát quỹ đất đai, sử dụng đất của các doanh nghiệp chưa được xem xét trước khi tiến hành cổ phần hoá.
Ông Trần Hồng Hà cho rằng: "Trên thực tế đây là một điều cũng không sai, vì khi giao đất cho các doanh nghiệp nhà nước chủ yếu giao đất không thu tiền sử dụng hoặc giao đất thu tiền sử dụng hàng năm nên việc đưa ngay vào đối với giá trị của doanh nghiệp là không thể".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ TNMT cũng thừa nhận ý kiến của các đại biểu rằng, có nhiều khu vực đất đai đang sử dụng rất lãng phí, quản lý chưa tốt tại nhiều khu “đất vàng”.
"Các bộ, ngành đang cùng vào cuộc tiến hành thanh tra các dự án có đất vàng. Trên cơ sở đó, khi phát hiện sai phạm thì sẽ xem xét, xử lý theo quy định. Nếu làm tốt việc này, thất thoát nguồn lực đất đai trong xác định giá trị doanh nghiệp sẽ giảm thiểu, cải thiện về cơ bản", ông Hà thông tin.
Theo lời Bộ trưởng Bộ TNMT thì có nhiều dự án “đất vàng” đã lọt tầm ngắm của các bộ, ngành. Vậy dự án nào có khả năng bị thanh tra trong thời gian tới?
Dự án “đất vàng” số 7-9 Tôn Đức Thắng
|
Dự án "đất vàng" 7-9 Tôn Đức Thắng của Yên Khánh Hải Thành vẫn chỉ là bãi đỗ xe. |
Lô “đất vàng” 3.531 m2 đất tại số 7-9 Tôn Đức Thắng phường Bến Nghé, quận 1 trước đây do Công ty Hải Thành (thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân) quản lý. Đến năm 2009, UBND TP.HCM có Quyết định số 5977/QĐ-UBND cho phép chuyển mục đích sử dụng, để đầu tư xây dựng cao ốc văn phòng kết hợp thương mại dịch vụ trên lô đất này.
Sau đó, Công ty Hải Thành liên kết với Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh thành lập Công ty TNHH Yên Khánh Hải Thành (Công ty Yên Khánh Hải Thành) để thực hiện dự án trên.
Theo đó, Công ty Hải Thành góp vốn bằng quyền sở hữu 3.531 m2 đất tại số 7-9 Tôn Đức Thắng. Thời điểm đó, lô đất này chỉ được định giá 32 tỷ đồng (tương đương 10% vốn điều lệ của Yên Khánh Hải Thành).
Tháng 3/2010, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CT00244 cho Yên Khánh Hải Thành với thời hạn sử dụng đất 49 năm (tính từ ngày 25/11/2009, thời điểm cấp giấy chứng nhận đầu tư).
Ban đầu, khu đất tại số 7 - 9 đường Tôn Đức Thắng được UBND TP.HCM phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường tại Quyết định duyệt giá số 3251/QĐ-UBND với mục đích sử dụng đất là đầu tư xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê và dịch vụ thương mại, hệ số sử dụng đất là 9, mật độ xây dựng là 50%, tầng cao xây dựng 28 tầng (đối với khu đất tiếp giáp đường Tôn Đức Thắng, chiều cao tối đa 113m), tầng cao xây dựng 15 tầng (đối với khu đất tiếp giáp đường Ngô Văn Năm, chiều cao tối đa 61m).
Thế nhưng, hơn 8 năm trôi qua, dự án “đất vàng” số 7-9 Tôn Đức Thắng vẫn chưa có dấu hiệu triển khai. Theo tìm hiểu của PV Nhadautu.vn, hiện nay khu “đất vàng” trên đang được chủ đầu tư quây tôn để làm bãi đỗ xe.
Dự án tháp SJC – 4 mặt tiền
|
Dự án tháp SJC nằm trên lô "đất vàng" 4 mặt tiền. |
Dự án tháp SJC có địa chỉ tại khu đất nằm 4 mặt tiền đường Lê Thánh Tôn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi - Nguyễn Trung Trực, được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt cho Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương làm chủ đầu tư. Tòa tháp SJC Tower nếu được xây dựng sẽ cao 52 tầng và có tổng vốn đầu tư trên 137 triệu USD.
Hồi tháng 9/2017, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) - doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước của UBND TP.HCM và lúc đó đang sở hữu 40% cổ phần của Sài Gòn Kim Cương đã công bố bán đấu giá số cổ phiếu tương đương 15% cổ phần công ty này.
Lý do HFIC đưa ra là do HĐQT Sài Gòn Kim Cương đã thông qua kế hoạch phát hành 121,38 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ lên 1.800 tỷ đồng (hơn gấp 3 lần vốn điều lệ ban đầu). Mục đích đợt phát hành này là bổ sung vốn để đầu tư xây dựng tháp SJC Tower.
Sau khi HFIC bán đấu giá thành công 15% cổ phần Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương thì thu được 252 tỷ đồng nhưng tỷ lệ cổ đông Nhà nước tại dự án SJC Tower chỉ còn 25%. Với tỷ lệ cổ phần thiểu số như vậy thì liệu quyền lợi của Nhà nước trong dự án SJC Tower trên khu “đất vàng” tứ giác Lê Thánh Tôn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi - Nguyễn Trung Trực có được bảo đảm dù xuất phát của khu đất này hoàn toàn là đất công sản?
Dự án Khu cao ốc phức hợp Ngân Bình - Golden Hill Tower
|
Dự án Cao ốc phức hợp Ngân Bình đã sang tên đổi chủ dưới hình thức sáp nhập công ty. |
Dự án Cao ốc phức hợp Ngân Bình (Golden Hill) tại số 87 Cống Quỳnh phường Nguyễn Cư Trinh quận 1 có diện tích đất rộng 8.320 m2 do Công ty TNHH đầu tư xây dựng Ngân Bình làm chủ đầu tư. Nguồn gốc đất của dự án là do UBND TP.HCM giải phóng mặt bằng rồi giao cho doanh nghiệp thực hiện.
Thế nhưng, hơn 10 năm trôi qua dự án vẫn chỉ là lô đất trống chưa triển khai. Tháng 4/2017, Công ty TNHH đầu tư xây dựng Ngân Bình đã sáp nhập với Công ty Cổ phần Đầu tư Golden Hill. Đồng thời dự án Cao ốc phức hợp Ngân Bình đổi tên thành Golden Hill Tower.