Hà Nội từng có 5 sân bay

Google News

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030 và tầm nhìn đến 2050 sẽ có 1 sân bay quốc tế, 1 sân bay nội địa tầm ngắn, 2 sân bay quân sự và 1 sân bay cứu hộ.

Cụ thể, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sẽ được cải tạo, nâng cấp thành cảng hàng không, sân bay quốc tế lớn phía Bắc. Đến năm 2020, nâng cấp thành cảng hàng không cấp 4E theo tiêu chuẩn ICAO (Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế), lưu lượng hành khách đạt 20 - 25 triệu hành khách/năm và trên 260.000 tấn hàng hoá/năm.
Đến năm 2030, sân bay quốc tế Nội Bài sẽ trở thành cảng hàng không cấp 4F có thể tiếp nhận 35 triệu hành khách/năm và sau năm 2030 là 50 triệu hành khách/năm, 500.000 tấn hàng hoá/năm.
Sân bay Gia Lâm sẽ được sử dụng chung cho dân dụng nội địa tầm ngắn và quân sự. Cảng cấp 3C và sân bay quân sự cấp II, với 2 đường cất hạ cánh kích thước 2000m x 45m; lượng hành khách tiếp nhận là 290.000 hành khách/năm.
Sân bay Hòa Lạc, Miếu Môn được sử dụng để phục vụ mục đích quân sự, có thể phục vụ dân sự khi có yêu cầu. Sân bay Bạch Mai sẽ trở thành sân bay cứu hộ, trực thăng.
 Ảnh minh họa.
Không chỉ Nội Bài, 4 sân bay còn lại trong quy hoạch đều từng có một quá khứ để tự hào. Thế nhưng, đến nay sau gần 10 năm kể từ thời điểm Thủ tướng ký ban hành Quyết định 1259, nhiều sân bay đã không còn thấy hình hài. Ở ngay Hà Nội, cũng ít người biết đến Thủ đô từng đã được quy hoạch có đến 5 sân bay.
Sân bay Bạch Mai nằm trọn trong khu khuôn viên giao giữa đường Trường Chinh, Nguyễn Lân, Lê Trọng Tấn do Quân chủng Phòng không Không quân quản lý. Thế nhưng, khi đường Lê Trọng Tấn được mở rộng, trên khu đất quy hoạch sân bay Bạch Mai mọc lên nhiều công trình "lạ" như: sân golf, hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, mua sắm thời trang, nhà hàng, khách sạn,…
Tháng 9/2015, UBND phường Khương Mai có văn bản gửi các cơ quan thuộc Quân chủng PKKQ đề nghị cung cấp tài liệu, hồ sơ pháp lý liên quan đến các công trình xây dựng trong sân bay Bạch Mai.
Nội dung văn bản của UBND phường Khương Mai xác định: Qua kiểm tra khu vực sân bay Bạch Mai giáp phố Lê Trọng Tấn, nay đã cải tạo thành sân bóng đá mini, sân tập golf, dựng nhà tôn khung sắt sử dụng làm bãi đỗ xe ôtô qua đêm, quán bia.
Chủ đầu tư đã phá tường rào, vỉa hè dành cho người đi bộ để mở cổng ra phía đường Lê Trọng Tấn gây bụi bẩn, không đảm bảo vệ sinh môi trường và thường xuyên gây ách tắc giao thông, gây bức xúc dư luận nhân dân.
Ngày 10/9/2015, tổ công tác quản lý trật tự xây dựng phát hiện thêm 1 công trình nhà thép tại địa chỉ 171 Trường Chinh cao 1 tầng, diện tích khoảng 300m2...
UBND quận Thanh Xuân, UBND phường Khương Mai đã ban hành nhiều văn bản đề nghị Quân chủng PKKQ cung cấp GPXD, thông báo khởi công và hồ sơ liên quan đến các công trình xây dựng trong sân bay Bạch Mai. Thế nhưng, những vụ việc trên đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
Sân bay Gia Lâm được quy hoạch sử dụng chung cho dân dụng nội địa tầm ngắn và quân sự. Thế nhưng rồi sân golf, biệt thự cũng mọc lên ở đây.
Dự án khu sân golf Long Biên có vốn đầu tư 200 triệu USD (khoảng 4.000 tỷ đồng). Ngoài sân golf, tại dự án còn có khách sạn, biệt thự, căn hộ và các dịch vụ kèm theo.
Sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức và một phần huyện Chương Mỹ được nhiều người biết đến sau vụ Đồng Tâm.
Năm 2016, Quân chủng Phòng không Không quân giao 50,03ha đất cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel xây dựng dự án quốc phòng nằm trong đất sân bay Miếu Môn.
Còn sân bay Hòa Lạc hiện nay đang phục vụ mục đích quân sự.
Như Nhadautu.vn đã đưa, trong hai ngày 27 và 28/6/2018, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương dưới sự chủ trì của Trưởng ban KTTW, Bí thư Trung ương Đảng Trần Cẩm Tú đã họp kỳ 27, đã xem xét và kết luận một số nội dung quan trọng.
Về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc phòng, theo thông cáo của UBKTTW, Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong quản lý, sử dụng đất quy hoạch cho mục đích quốc phòng chưa sử dụng ngay cho nhiệm vụ quốc phòng vào mục đích kinh tế, liên doanh, liên kết và thực hiện các dự án nhà ở cho quân nhân.
Hai tướng lĩnh từng đứng đầu quân chủng là Thượng tượng Phương Minh Hoà, nguyên Tư lệnh Quân chủng và Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chính quỷ Quân chủng bị UBKTTW xác định có vi phạm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và quân đội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng.
Theo Thủy Tiên/Nhà Đầu Tư

>> xem thêm

Bình luận(0)