Giá đất 5 huyện TP HCM dự kiến lên quận tăng thế nào?

Google News

Theo khảo sát từ DKRA Vietnam, giá bất động sản tại 5 huyện được định hướng lên quận tại TP HCM là Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ tăng khoảng 2 - 5% trong 3 tháng đầu năm.

Theo DKRA, đất Cần Giờ tăng mạnh bởi thông tin quy hoạch dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ của Vingroup, diện tích gần 3.000 ha tác động đến giá bán sản phẩm tại khu vực này. Cần Giờ là huyện đảo cách trung tâm TP HCM khoảng 70 km, có tiềm năng phát triển du lịch, hệ sinh thái.

Thị trường địa ốc khu vực này cũng từng sôi động bởi thông tin xây cầu thay phà Bình Khánh, nối Cần Giờ với huyện Nhà Bè. Gần đây, tuyến vận tải hành khách đường thủy TP HCM - Cần Giờ - Vũng Tàu cũng đi vào hoạt động.

Nhà Bè có mức tăng giá cao thứ 2 chỉ sau Cần Giờ, dao động 3 - 5% so với cuối năm 2020. Huyện này giáp quận 7 và khu đô thị Phú Mỹ Hưng, có nhiều dự án lớn nằm dọc tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ. Giá đất nền dự án được giao dịch quanh mức 16 - 55 triệu đồng/m2.

Khu vực có giá đất nền dự án cao nhất hiện tại là huyện Bình Chánh, ở mức 20 - 92 triệu đồng/m2. Riêng khu dân cư Trung Sơn, giáp ranh quận 7, hạ tầng và quy hoạch đồng bộ, có giá cao nhất lên tới 217 triệu đồng/m2. Bình Chánh có mức tăng giá cao nhất 5% so với cuối năm 2020.

Đất thổ cư tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn cũng tăng lần lượt 3 - 5% so với cuối năm trước. Tại Hóc Môn, giá đất thổ cư một số trục đường lớn ở Xuân Thới Thượng và xã Đông Thạnh ở mức 20 - 45 triệu đồng/m2. Còn Củ Chi, giá đất thổ cư dao động 17 - 56 triệu đồng/m2 tại một số trục đường lớn ở Thị trấn Củ Chi và xã Tân Phú Trung.

Gia dat 5 huyen TP HCM du kien len quan tang the nao?
 TP HCM dự kiến xây dựng Khu đô thị Cần Giờ. Ảnh: Zing.

DKRA nhận định, giá bất động sản ở 5 huyện này không có quá nhiều biến động lớn trong thời gian gần đây. Giao dịch thứ cấp không có nhiều sôi động, việc tăng giá trung bình ở mức 1 - 5% so với cuối năm 2020 nhưng chỉ dừng ở mức rao bán của môi giới địa phương, số lượng giao dịch không nhiều, ở mức thấp.

Tại một cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ trực tiếp góp ý cho đề án 5 huyện chuyển lên quận hoặc “thành phố trong thành phố”.

Ông Phong nhìn nhận các thông tin về đề án 5 huyện lên quận cần thận trọng bởi đưa tin không khéo sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản và đời sống người dân. Sở Nội vụ khi lập đề án phải căn cứ tiêu chí, quy hoạch của các quận.

Chủ tịch UBND TP HCM  bày tỏ lo ngại khi chuyển huyện thành quận, chuyển quận thành thành phố, đời sống người dân chưa thấy chuyển biến rõ nét nhưng đã tạo ra xáo động trong thị trường bất động sản. Ví dụ như ở TP Thủ Đức, có những mảnh đất trước kia chỉ 40 - 50 triệu đồng/m2 nhưng nay đã lên hơn 100 triệu đồng/m2 dù mới chỉ thay đổi tên gọi.

Do đó, ông Phong khẳng định khi phê duyệt đề án sẽ xác định lộ trình hẳn hoi, tránh tình trạng lợi dụng thông tin này đẩy giá đất lên là rất khó khăn cho thị trường bất động sản.

Sở Nội vụ đã có tờ trình gửi UBND TP HCM đề án chuyển một số huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP HCM) giai đoạn 2021 – 2030. Theo Sở Nội vụ, yêu cầu được đặt ra khi thành lập quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM phải bảo đảm phù hợp với các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ XI thông qua; đảm bảo trình tự và thủ tục đúng quy định.

Cơ quan xây dựng đề án đánh giá 5 huyện: Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn và Nhà Bè nằm ở vị trí cửa ngõ, kết nối với các tỉnh thuộc miền Đông và Tây Nam Bộ. Trong những năm qua, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, nhiều khu đô thị, hạ tầng, tuyến cao tốc, đã và đang được xây dựng; trình độ dân trí, lối sống đô thị được hình thành rõ nét và không khác biệt nhiều so với các quận nội thành.

Do đó, việc đầu tư xây dựng các huyện để chuyển lên quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM, chuyển các xã, thị trấn thuộc huyện thành phường là hết sức cần thiết.

Theo đề án đang được xây dựng, trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ chuyển huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè thành quận hoặc thành lập thành phố thuộc TP HCM; trong giai đoạn 2025 - 2030 sẽ chuyển 2 huyện Củ Chi và Cần Giờ thành quận hoặc thành lập thành thuộc TP HCM.

Để thực hiện mục tiêu trên, đề án đưa ra nhiều giải pháp, trong đó cần ưu tiên ngân sách để tổ chức lập, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, nhất là các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới...

 

 

Gia Lai

>> xem thêm

Bình luận(0)