Ở phường 28, quận Bình Thạnh, TP.HCM, nhiều đại gia bất động sản có cả chục nghìn mét vuông đất nhưng vẫn phải sống lây lất, vì vùng này được quy hoạch 25 năm nay mà chưa biết khi nào mới thực hiện. Lẽ ra nếu không dính quy hoạch, họ đã đổi đời từ nguồn đất đai “khủng” của mình.
Chân dung đại gia
Từ nhiều đời nay, gia đình ông Út Vô, hẻm 480 khu phố 3, đường Bình Quới, phường 28, quận Bình Thạnh, sinh sống và sản xuất nông nghiệp trên mảnh đất rộng hơn 17.000 m2. Khi toàn bộ phường 28 được quy hoạch để xây dựng khu đô thị mới, ông cũng như bao gia đình khác, cứ đinh ninh sẽ phải sớm bàn giao đất cho Nhà nước làm dự án nên bắt đầu hạn chế đầu tư sản xuất.
Nhưng chờ mãi, từ khi còn là một người trung niên đến nay ông đã ngót nghét tuổi 70 mà bóng dáng khu đô thị sinh thái chẳng thấy đâu. Đất đai, ruộng vườn cũng bỏ hoang suốt mấy chục năm trời.
|
Đất đai hoang hóa trong khu bán đảo Thanh Đa. |
Chưa hết, nhà ông Út Vô đất đai rộng bát ngát nhưng chỉ 250 m2 là đất ở. Mấy chục năm qua bốn người con của ông lớn lên, lập gia đình cần phải có nơi ăn chốn ở riêng. Ông Út Vô nhiều lần muốn cắt đất dựng nhà ra riêng cho các con, nhưng vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sang đất ở, không tách thửa cũng không được phép xây dựng.
Căn nhà nhỏ của ông phải chứa hết tất cả con cháu, dâu rể hơn chục người. Năm gia đình nhỏ chen chúc trong một căn nhà chật chội, mỗi nhà chỉ khoảng 5-6 m2.
“Có đất mà không thể cất nhà ra riêng cho con. Muốn bán đất bớt để cho con cái ít vốn làm ăn nhưng cũng không được, con cái đều làm công nhân với thu nhập ít ỏi, không đủ sống chứ chưa nói đến chuyện đi thuê nhà trọ bên ngoài”, ông Vô nói.
Không buồn sửa sang gì nữa
Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Bảy, 487/71 Bình Quới, cũng cho biết năm 1967, cha ông bán mảnh đất bên khu Thảo Điền, quận 2 và dọn về đây sinh sống. Năm 1991, ông mua gạch, ngói về để chuẩn bị xây lại căn nhà vốn được xây dựng từ năm 1972 thì nghe có “lệnh” quy hoạch.
Ông Bảy ngừng xây dựng “để lỡ Nhà nước thu hồi đất thì uổng công xây”.
“Bây giờ khu Thảo Điền quê tôi trước đó được xây dựng ra tấm ra món, trở thành một trong những khu vực đắt đỏ nhất của quận 2 cũng như của TP.HCM. Trong khi đó tại Bình Quới, chúng tôi vẫn phải sống lây lất trong quy hoạch”, ông Bảy trầm ngâm.
Ngót 25 năm, quy hoạch không được thực hiện, căn nhà của ông Bảy xây dựng từ 45 năm trước đã xuống cấp trầm trọng. Khi thành phố cho phép xây dựng tạm trong quy hoạch, ông Bảy vui mừng, lại mua gạch, ngói về để xây cho căn nhà khang trang hơn.
Tuy nhiên, việc xây dựng của ông lại gặp khó khăn, do trước đó kẹt tiền ông cắt 80 m2 đất bán cho người cháu xây dựng. Căn nhà xây không phép bị phạt 12,5 triệu đồng đến nay chưa tháo dỡ, nên căn nhà của ông cũng không được xây dựng lại!
|
Theo bà Nguyễn Thị Điểu, nếu không bị quy hoạch tới 25 năm, gia đình bà đã khác chứ không eo hẹp, nhếch nhác như bây giờ. |
“Tôi ngán ngẩm quá rồi nên cũng muốn mặc kệ luôn, lại nghe tin nhà đầu tư sắp làm dự án nên tôi cũng không buồn sửa sang gì nữa. Biết đâu vừa xây xong thì dự án lại ào tới”, ông Bảy thở dài.
Không dám lấy vợ vì không có chỗ ở
75 tuổi, mái đầu bạc trắng, bà Nguyễn Thị Điểu, 480/87 Bình Quới, sống cùng 17 người gồm con cháu, dâu rể trong căn nhà 100 m2 từ nhiều năm nay.
Bà Điểu cho biết toàn bộ đất đai nhà bà khoảng 14.000 m2 vừa ở vừa sản xuất nông nghiệp. Quận Bình Thạnh cũng là trung tâm thành phố, bấy nhiêu đó đất lẽ ra đã là đại gia rồi. Vậy nhưng trong 10 người con thì sáu người đã lập gia đình nhưng không có tiền nên ở hết trong căn nhà của bà.
Đất đai nhiều, bà Điểu chia cho mỗi người con 1.000 m2 nhưng chỉ nói miệng, vì không thể tách thửa.
Các con của bà Điểu có đất cũng không thể xây dựng nên có đất cũng chỉ trồng sen rồi nhổ ngó sen đi bán kiếm thu nhập sống qua ngày. Trong căn nhà của bà, mỗi gia đình nhỏ lại ngăn thành các phòng nhỏ để tá túc qua ngày, vì không đủ tiền đi thuê nhà trọ.
|
Căn nhà của ông Nguyễn Văn Bảy đã xây dựng 45 năm nay và xuống cấp trầm trọng. |
“Tôi chừng này tuổi đầu rồi, không biết có sống được đến ngày tận mắt nhìn thấy khu đô thị nào ở đây không, nhưng trước mắt mấy chục năm qua chúng tôi đã phải rất khổ sở. Đất đai nhiều mà không thể làm gì được. Nếu không bị quy hoạch, có khi cuộc đời tôi và con cháu cũng đã khác rồi”, bà Điểu nói.
Trong 10 người con của bà, hiện có bốn người chưa lập gia đình. Bà Điểu nói: “Ba thằng con trai và một đứa con gái, con gái lấy chồng thì theo chồng. Còn con trai lấy vợ rồi chỗ đâu mà ở. Khó vậy nên nói đến chuyện lấy vợ đứa nào cũng ngại”.
Bà Điểu kể gần đây một số công ty bất động sản xuống mua đất nông nghiệp của người dân với giá rẻ mạt, nhưng nhiều người vẫn bán tống bán tháo rời khỏi nơi này. Bà tiếc đất nên không bán mà vẫn quyết tâm chờ đến khi dự án triển khai để bồi thường.