Chủ đầu tư Carina Plaza hỏa hoạn chết người đang xây những dự án nào?

Google News

(Kiến Thức) - Ngoài chung cư Carina Plaza, chủ đầu tư dự án này còn đang triển khai khoảng hơn 10 dự án nhà cao tầng và khu nghỉ dưỡng trên cả nước. Trong đó tập trung chủ yếu tại các thành phố như TPHCM, Quảng Ngãi, Bình Thuận và Quảng Ninh...

Vụ cháy chung cư Carina Plaza (số 1648 Võ Văn Kiệt, quận 8, TP HCM ) xảy ra vào 1h30 sáng 23/3 làm 13 người tử vong, 39 người bị thương đang gây chấn động dư luận. Sau vụ cháy thương tâm này, dư luận đang đặt câu hỏi: Chủ đầu tư của dự án này là ai? Ngoài Carina Plaza, chủ đầu tư dự án Carina Plaza còn đang làm những dự án nào?
Chân dung chủ đầu tư của chung cư Carina Plaza
Theo tìm hiểu, dự án Carina Plaza, có tổng diện tích 19.318,40 m2 là một trong những dự án thuộc cụm các dự án của Công ty CPĐT Năm Bảy Bảy (577)  tại phường 16, quận 8, TP.HCM. Đây là dự án đầu tiên đã được triển khai thi công vào năm 2008, trong cụm dự án nhà cao tầng của Công ty tại phường 16, quận 8.
Carina Plaza được thiết kế 03 Block: có 02 Block cao 14 tầng và 01 khối 20 tầng trong đó có 04 tầng dành cho khu thương mại kết hợp hồ bơi, khu vui chơi giải trí, thể thao.
Dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (577 Corp; Mã chứng khoán: NBB) và Công ty TNHH Hùng Thanh (thành viên của Công ty Đầu tư 577) làm chủ đầu tư, Công ty Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Quốc Tế (International Xây dựng và Tư vấn Đầu tư) chủ trì thiết kế.
Chu dau tu Carina Plaza hoa hoan chet nguoi dang xay nhung du an nao?
Hiện trường vụ cháy chung cư Carina Plaza.
Theo giới thiệu, Năm Bảy Bảy tiền thân là Chi nhánh Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 tại Bình Thuận được thành lập theo Quyết định số 4750/QĐ-TCCB ngày 01/11/2004 của Hội đồng quản trị Tổng Công ty.
“Cho đến nay ngoài Hội sở chính tại TP HCM, Công ty 577 đã mở rộng quy mô hoạt động trên nhiều địa phương khác như: Bạc Liêu, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Ninh... thông qua hoạt động của 4 Chi nhánh và 4 Công ty thành viên”, chủ đầu tư này tự giới thiệu.
Cũng theo lời giới thiệu, hiện 577 đã mở rộng liên doanh liên kết với các đơn vị: Công ty CP Tư Vấn Xây Dựng 533, Công ty CP Chứng khoán Việt Thành, Công ty CP Dịch vụ Nhịp Cầu Địa Ốc, Công ty TNHH Đầu tư & Xây dựng Tam Phú, Công ty TNHH BOT Cầu Rạch Miễu, Công ty CPĐT và Phát triển Xây dựng Ninh Thuận.
Theo thông tin trên Zing, doanh nghiệp này đã trải qua thời gian dài nợ nần và sống nhờ vào doanh thu tài chính. Đến nay, sau khi được Tập đoàn Creed Group đến từ Nhật Bản rót vốn thì tình hình kinh doanh mới ổn định trở lại với những quỹ đất sẵn có của mình.
Được thành lập năm 2005, tuổi nghề không bằng với những doanh nghiệp bất động sản lớn đang niêm yết hiện nay, NBB lại sở hữu quỹ đất tương đối lớn, gần 370 ha, phân bổ trên 5 tỉnh thành trong cả nước. Riêng tại TP.HCM, công ty sở hữu đến 58 ha đất (phần lớn là đất sạch), tập trung tại quận 8 và huyện Bình Chánh.
Tuy nhiên, việc triển khai các dự án của NBB gặp phải bế tắc trong một thời gian dài. Trước thời điểm lên sàn chứng khoán (năm 2009), NBB kinh doanh khá tốt và có dòng tiền lành mạnh nhờ hoạt động bán hàng tốt tại các dự án Trung tâm thương mại (TTTM) Bắc Phan Thiết (Bình Thuận), khu dân cư phường 2 Bạc Liêu (Bạc Liêu) và khu căn hộ cao tầng Carina Plaza tại TP.HCM.
Sau khi lên sàn, NBB mạnh tay đầu tư vào các dự án lớn như City Gate Towers, NBB II, Dimond Plaza và Khu phức hợp Tân Kiên (NBB IV) tại TP.HCM. Tuy nhiên, tiến độ bán hàng tại các dự án của NBB khi đó chững lại trước tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế và thị trường bất động sản đóng băng. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của NBB từ 2010-2014 liên tục là con số âm.
Không những thế, việc gia tăng sử dụng đòn bẩy trong bối cảnh tiến độ bán hàng bị ngưng trệ khiến NBB rơi vào cảnh suy giảm mạnh về khả năng thanh toán. Chỉ số thanh toán hiện hành từ hơn 10 lần năm 2009 đã giảm xuống chỉ còn trên dưới 2 lần vào những năm 2010-2013.
Lượng tiền và tương đương tiền của NBB từ 428 tỷ đồng năm 2009 xuống còn khoảng 8 tỷ đồng vào năm 2013. Tình thế khó khăn buộc NBB phải dừng thi công các dự án City Gate hay NBB II. Tiến độ phát triển các dự án mới gần như là ngừng hẳn.
Hàng chục dự án bất động sản đang triển khai
Ngoài những dự án dự án trên, Năm Bảy Bảy đang triển khai khoảng gần chục dự án nhà cao tầng và khu nghỉ dưỡng trên cả nước như:
Khu căn hộ cao tầng NBB Garden II nằm tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh. Tổng diện tích của Dự án là 11,51ha, bao gồm 3 cụm căn hộ kết hợp TTTM cao 18 tầng với 1.904 căn; 154 căn biệt thự phố.
Khu căn hộ cao tầng NBB Garden III nằm tại Phường 16, Quận 8. Dự án có quy mô 7,725ha; gồm 2.201 căn hộ với 3 block chiều cao 33 tầng, diện tích căn hộ từ 52,1-80,3 m2, và 34 căn hộ shophouse từ 165-214 m2.
Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp khu dân cư De Lagi nằm tại tại xã Tân Phước, cách Thành phố Phan Thiết 68km.Diện tích quy hoạch của dự án khoảng 124,7ha. Dự án bao gồm các khu chức năng như khu giải trí, nhà hàng, khách sạn, sân golf, biệt thự cao cấp...
3 dự án lớn tại Quảng Ngãi gồm Khu biệt thự Golf cao cấp đảo Hồng Ngọc - Quảng Ngãi tọa lạc tại thôn An Phú, xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh - Quảng Ngãi, tổng diện tích quy hoạch khoảng 233,4 ha. Dự án bao gồm Sân golf 18 lỗ, khách sạn 5 sao, bến du thuyền, khu biệt thự siêu sang, biệt thự ven sông.
Khu dân cư Sơn Tịnh tọa lạc tại Phường Trương Quang Trọng, thành phố Quảng Ngãi có tổng diện tích 78,680 ha. Sản phẩm của dự án bao gồm: Khách sạn, khu nghỉ dưỡng với 2.965 nền.
Riêng tại Quảng Ninh, đơn vị doanh nghiệp này có 2 dự án lớn gồm: Khu du lịch sinh thái Đồn Điền tại Hạ Long được quy hoạch sẽ hình thành một không gian sống đắc địa và du lịch nghỉ dưỡng cao cấp của thành phố Hạ Long; Khu biệt thự đồi Thủy Sản tại phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long hiện đã hoàn thành công tác GPMB, đã được UBND tỉnh Quảng Ninh giao đất sạch để đầu tư xây dựng dự án.
Ngoài BĐS, hiện Năm Bảy Bảy còn phát triển mạnh mẽ ở các lĩnh vực như xây dựng hạ tầng giao thông; Xây dựng công trình thuỷ điện, nhiệt điện; Sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện; Khai khoáng; Kinh doanh du lịch sinh thái...
Bên cạnh đó, theo thông tin trên Nhịp sống kinh tế, Báo cáo tài chính quý IV năm 2017 của công ty này ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ 72 tỷ đồng. Công ty có tổng nợ gần 3.000 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn lên tới 2.000 tỷ đồng, trong khi vay nợ thuê tài chính trong năm 2017 tạm tính lên tới 1.000 tỷ đồng.
Sử dụng đòn bẩy tài chính quá nhiều trong quá trình hoạt động khiến NBB có chỉ số thanh toán hiện hành rất thấp. Con số này giảm từ 10 lần vào năm 2009 (thời điểm Carina được khởi công) xuống còn 2 lần vào năm 2017.
Trên sàn chứng khoán, gần 65% giao dịch cổ phiếu của NBB là giảm giá trong vòng 3 tháng gần nhất. Công ty này cũng từng đứng trước nguy cơ bị một doanh nghiệp trong ngành thâu tóm, là CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM, khi đơn vị này lên kế hoạch mua đủ 51% vốn của NBB trong năm 2017 nhưng chưa hoàn thành, mà chỉ dừng lại ở mức 34,12%
Bảo Ngọc

>> xem thêm

Bình luận(0)